SINH MỔ VÀ CÁC NGUY CƠ

Sinh mổ là gì?

           Sinh mổ (còn được gọi là mổ lấy thai hay C-section) là một phương pháp phẫu thuật được sử dụng để đưa trẻ sơ sinh và nhau thai ra ngoài thông qua một vết rạch dọc hoặc ngang (“đường bikini”) trên da phần bụng dưới sau đó các lớp mô bên dưới được tách ra để lộ tử cung, cuối cùng tử cung được rạch ra cho phép lấy thai nhi và nhau ra. . Để giảm đau, có thể dùng biện pháp ây tê tại chỗ (hoặc toàn thân), gây tê tủy sống hoặc ngoài màng cứng. Các thủ thuật khác, chẳng hạn như thắt ống dẫn trứng (là một phương pháp triệt sản), cũng có thể được thực hiện ngay trong lúc sinh mổ.

 

           Sinh mổ có thể được dự định và lên kế hoạch từ trước khi thai phụ bắt đầu chuyển dạ vì tình trạng của bà mẹ hoặc thai nhi đảm bảo việc sinh mổ. Tuy nhiên, một số trường hợp sinh mổ không có kế hoạch và được thực hiện trong lúc chuyển dạ vì một số vấn đề của mẹ hoặc thai nhi phát sinh. Hơn 30 phần trăm thai phụ sinh bằng phương pháp sinh mổ ở Hoa Kỳ.

 

LẦN TRƯỚC SANH MỔ, LẦN NÀY CÓ SANH THƯỜNG ĐƯỢC KHÔNG? - PHÒNG KHÁM SẢN PHỤ KHOA NGỌC CHÂU

Hình minh họa – nguồn Internet

 

Lý do sinh mổ là gì?

           Một số lý do có thể cần phải sinh mổ:

           +           Chuyển dạ không tiến triển như bình thường, có thể là do tử cung gò không đủ, chuyển dạ không tiến triển sau nhiều giờ dù đã dùng thuốc chỉnh gò (oxytocin).

           +           Em bé có ngôi bất thường (ngôi mông, ngôi ngang..)

           +           Khung chậu mẹ quá nhỏ hoặc em bé quá to, đa thai.

           +           Thai kỳ trước sinh mổ hoặc người mẹ từng phẫu thuật có cắt mở tử cung. Tuy nhiên, nhiều trường hợp thai phụ từng sinh mổ vẫn có thể thể sinh thường.

           +           Nhịp tim thai cho thấy không thể chịu được với cuộc sinh thường

           +           Xuất huyết âm đạo lượng lớn, có thể do nhau tiền đạo, nhau thai bong tróc khỏi tử cung trước khi em bé được sinh ra (gọi là nhau bong non)

           +           Những tình huống cấp cấp đe dọa tính mạng của mẹ và thai nhi cần mổ lấy thai ngay như sa dây rốn, vỡ tử cung,…

           +           Trong một số trường hợp, có thể sinh mổ vì nguy cơ cao lây nhiễm tác nhân gây bệnh từ mẹ khi sinh qua ngã âm đạo, ví dụ như HIV, Herpes.

           +           Mẹ có ung thư cổ tử cung

 

           Có chống chỉ định sinh mổ không?

           Không có chống chỉ định tuyệt đối nào đối với sinh mổ. Nguy cơ và lợi ích cho mẹ và thai nhi được cân nhắc để quyết định phương pháp sinh phù hợp.

 

Sinh mổ có kế hoạch có ưu điểm gì?

           +           Cho phép bố và mẹ thai nhi biết chính xác khi nào em bé sẽ ra đời, điều này tạo điều kiện thuận lợi trong những vấn đề liên quan đến chăm sóc em bé, sắp xếp công việc,…

 

           +           Giúp giảm thiểu những nguy cơ và biến chứng tiềm tàng của cuộc sanh cho mẹ và em bé.

 

           +           Đảm bảo bác sĩ sản khoa chăm sóc cho người mẹ sẽ có mặt lúc sinh.

 

           +           Tạo được không khí thư giản, thoải mái và kiểm soát tốt hơn những vấn đề không thể biết trước nếu sinh thường ví dụ như chuyển dạ kéo dài bao lâu, khi nào sinh,…

 

Không có mô tả ảnh.

Hình minh họa – nguồn Internet

 

Sinh mổ có kế hoạch có những nguy cơ nào cho mẹ và em bé?

           Những ưu điểm và nguy cơ của việc sinh mổ cần phải được cân nhắc kĩ càng, mổ lấy thai là một cuộc phẫu thuật lớn sẽ gắn liền với những nguy cơ.

 

                 Nguy cơ cho mẹ:

           +           So với sinh thường thì sinh mổ có nguy cơ cao hơn gây tổn thương các cơ quan trong ổ bụng như bàng quang, ruột, mạch máu cũng như nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục, nhiễm trùng vết mổ. Ngoài ra sinh mổ còn có nguy cơ gây thuyên tắc mạch máu.

 

           +           Sinh mổ có khả năng làm cản trở tiếp xúc giữa mẹ và bé khi ở trong phòng mổ.

 

           +           Mẹ mất nhiều thời gian để bình phục hơn so với sinh thường.

 

           +           Sinh mổ có thể tăng nguy cơ nhau bám bất thường cho thai kỳ sau, như nhau cài răng lược là một tình trạng có thể gây biến chứng rất nặng nề.

 

           +           Việc cắt vào tử cung để lấy em bé ra sẽ làm yếu tử cung, tăng nguy cơ vỡ tử cung khi mang thai sau này. Tuy nhiên, nguy cơ này nhỏ và tùy thuộc vào loại vết cắt vào tử cung.

 

           Nguy cơ cho em bé:

           +           Chấn thương em bé trong lúc sinh, biến chứng này thường hiếm gặp.

 

           +           Em bé thường gặp các vấn đề hô hấp thoáng qua hơn so với em bé được sinh thường. Lí do là vì em bé không được đè ép khi đi qua đường sinh âm đạo nên giảm tái hấp thu dịch trong phổi.

 

           +           Một bất lợi khi em bé được sinh mổ sẽ không được tiếp xúc với hệ vi khuẩn thường trú trong âm đạo người mẹ, sự tiếp xúc này sẽ có nhiều lợi ích đối với bé.

 

Sinh mổ có những biến chứng gì?

           4 biến chứng thường gặp nhất là: nhiễm trùng, băng huyết, tổn thương các cơ quan trong ổ bụng, cục máu đông.

           +           Nhiễm trùng tử cung (nhiễm trùng nội mạc tử cung) sau mổ là một trong những biến chứng thường gặp. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ biến chứng này, như ối vỡ trước phẫu thuật, chuyển dạ xảy ra trước khi phẫu thuật… Biến chứng này có thể được điều trị bằng kháng sinh.

 

           +           Nhiễm trùng vết mổ, có thể xảy ra vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 sau mổ, ít khi xảy ra sau mổ 1-2 ngày. Để điều trị biến chứng này sẽ dùng kháng sinh và có thể kết hợp mở vết mổ để dẫn lưu và loại bỏ phần mô bị nhiễm trùng nếu cần.

 

           +           Băng huyết xảy ra ở 1-2% sản phụ sinh mổ, cần phải truyền máu. Biến chứng này thường sẽ được điều trị ổn bằng thuốc gây co tử cung hoặc một số thủ thuật cầm máu. Tuy nhiên, trong vài trường hợp khi tất cả biện pháp sử dụng không thể cầm máu được bác sĩ buộc phải cắt bỏ tử cung.

 

           +           Tổn thương bàng quang, ruột có thể xảy ra ở 1% sản phụ sinh mổ.

 

           +           Cục máu đông: phụ nữ có nguy cơ cao bị huyết khối ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu) hoặc ở phổi trong lúc mang thai và đặc biệt cao trong giai đoạn hậu sản. Nguy cơ này tăng lên khi sản phụ sinh mổ. Sử dụng thiết bị chèn ép nhẹ lên chân trong giai đoạn hậu phẫu sẽ giảm nguy cơ tạo huyết khối, thiết bị này được gọi là thiết bị đè ép không liên tục. Một số sản phụ có nguy cơ cao sẽ được dùng thuốc kháng đông.

 

Chăm sóc sản phụ sau khi sinh mổ như thế nào?

           +           Sau khi phẫu thuật xong, người mẹ sẽ được theo dõi ở khu hồi sức, được tiêm thuốc giảm đau. Khi thuốc gây tê hết tác dụng, khoảng 1-3 giờ sau phẫu thuật, sản phụ được chuyển về phòng hậu sản và được phép đi lại, ăn uống.

 

           +           Mẹ có thể cho bé bú bất cứ lúc nào sau khi sinh.

 

           +           Hầu hết sản phụ sẽ được xuất viện sau sinh một vài ngày. Vết mổ sẽ lành sau một vài tuần. Trong khoảng thời gian này có thể còn cảm cảm giác đau thắt nhẹ, đau tại vết mổ, chảy máu lượng ít hoặc ra dịch vàng âm đạo, vùng da xung quanh vết mổ có thể bị tê nhẹ. Đa số sản phụ sẽ cảm thấy hoàn toàn bình phục sau 6 tuần, cảm giác tê, đôi khi đau ở vùng da quanh vết mổ có thể kéo dài đến vài tháng sau mổ.

 

           +           Khi về nhà sản phụ cần theo dõi nhiệt độ cơ thể, nếu sốt trên 38 độ C, đau và xuất huyết ngày càng nặng hơn hoặc các triệu chứng liên quan như đau đầu nặng, đau bụng, khó thở thì cần đến khám tại cơ sở y tế.

 

Thông tin cần thiết cho chăm sóc sản phụ sau sinh | Vinmec

Hình minh họa – nguồn Internet

 

Sinh mổ có ảnh hưởng gì đến lần mang thai sau không?

           Trước kia, người ta cho rằng tất cả phụ nữ đã sinh mổ thì những lần mang thai sau này sẽ vẫn phải sinh mổ, tuy nhiên, điều này không còn đúng nữa. Ngày nay, rất nhiều sản phụ lựa chọn “thử sinh thường” trên vết mổ lấy thai cũ, thuật ngữ gọi là “TOLAC”. Có khoảng 60-80% phụ nữ thử và đã sinh thường thành công. Tuy nhiên, có khoảng dưới 1% trường hợp thử sinh thường gặp phải tình trạng vỡ tử cung trong lúc sinh. Hãy tham vấn bác sĩ để biết mình có phù hợp để sinh thường hay không.

 

 

Nguồn tham khảo

https://www.uptodate.com/contents/c-section-cesarean-delivery-beyond-the-basics?source=bookmarks#topicContent

https://www.uptodate.com/contents/c-section-cesarean-delivery-the-basics?topicRef=6728&source=see_link#H197175630

 

 

XEM THÊM

Các nguy cơ có thể gặp phải khi mổ lấy thai(Mở trong cửa số mới)

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT KHI NÀO BẮT ĐẦU CHUYỂN DẠ(Mở trong cửa số mới)

Thai và vết mổ cũ(Mở trong cửa số mới)

Để lại một bình luận