TỔNG QUAN VỀ SẨY THAI LIÊN TIẾP
» Khái niệm: Sẩy thai liên tiếp được định nghĩa là sẩy thai 2 lần liên tiếp trở lên. Tỉ lệ xảy thai khoảng 15%, trong khi đó chỉ 2% là sẩy thai liên tiếp 2 lần và 0,4-1% là sẩy thai 3 lần liên tiếp.
Ảnh minh họa – nguồn internet
» Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân:
+ Tiền căn đã có sẩy thai: Khi mang thai lần đầu, nguy cơ sẩy thai khoảng 11-13%, sau lần sẩy thai đầu tiên, tỉ lệ này tăng lên khoảng 14-21%. Và sau lần sẩy thai 2 lần hoặc 3 lần, tỉ lệ sẩy thai tiếp lần lược là khoảng 24-29% và 31-33%.
+ Tuổi mẹ: Tuổi mẹ càng cao thì càng tăng nguy cơ sẩy thai. Điều này có thể phản ánh việc chất lượng tế bào trứng giảm theo tuổi. Các tỷ lệ sẩy thai được công nhận trên lâm sàng theo tuổi mẹ khoảng là: 20 đến 30 tuổi (9-17%), 35 tuổi (20%), 40 tuổi (40%) và 45 tuổi (80%).
+ Bất thường giải phẫu tử cung bẩm sinh: người ta tìm thấy tử cung bất thường giải phẫu khoảng 10-15% trong sản phụ sẩy thai liên tiếp trong khi đó trong sản phụ bình thường chỉ 7%. Sẩy thai có thể do liên quan đến việc bất thường khả năng tạo môi trường làm tổ cho trứng của tử cung do giảm mạch máu thành tử cung, giảm nhạy cảm với hormone steroid. Tử cung có vách ngăn là bất thường tử cung có liên quan đến kết cục thai kỳ kém nhất và là bất thường tử cung phổ biến nhất liên quan đến sẩy thai liên tiếp. Tỉ lệ thai sống trong phụ nữ có vách ngăn chỉ khoảng 6-28%, và tỉ lệ sẩy thai hơn 60% Vách ngăn càng dài thì tiên lượng càng xấu.
+ U xơ tử cung: Các u xơ dưới niêm có thể nhô vào khoang nội mạc tử cung có thể cản trở sự làm tổ của trứng cũng như do việc lớp mềm đệm kém phát triển do phủ lên phần u xơ tử cung và bị thoái triển do sản xuất cytokine.
+ Dính buồng tử cung: Dính buồng tử cung dẫn đến không đủ lớp nội mạc tử cung cho sự phát triển của thai và bánh nhau, dẫn đến sẩy thai. Nguyên nhân chính gây ra dính buồng tử cung là tình trạng nạo buồng tử cung. Việc nạo buồng tử cung đặc biệt trong 4 tuần đầu hậu sản có thể làm tổn thương lớp nội mạc tử cung, dần dần hình thành lớp mô hạt tại vị trí tổn thương, việc nối mô hạt bằng mô liên kết gây ra tình trạng dính buồng tử cung. Hậu quả của dính buồng tử cung là làm tắc nghẽn buồng tử cung một phần hay hoàn toàn, dẫn đến kinh nguyệt không đều (thiểu kinh, vô kinh), đau vùng chậu theo chu kỳ, vô sinh và sẩy thai liên tiếp.
Ảnh minh họa – nguồn internet
+ Yếu tố di truyền: Khoảng 3-5% thai phụ sẩy thai liên tiếp có bất thường nhiễm sắc thể bố,mẹ. Ngoài ra, bất thường nhiễm sắc thể con là nguyên nhân chính gây ra sẩy thai, chiếm khoảng 70%.
+ Hội chứng kháng phospholipid (APS): Khoảng 5-15% thai phụ bị sẩy thai liên tiếp bị APS. Việc tầm soát APS được khuyến cáo cho thai phụ bị sẩy thai liên tiếp.
+ Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): tỉ lệ sẩy thai ở thai phụ bị PCOS khoảng 20-40%. Sự bất thường hormone trong PCOS gây ra tình trạng rụng trứng bất thường làm cho giảm khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung. Trong một nghiên cứu cho thấy, khi chu kỳ kinh nguyệt lớn hơn 34 ngày, thường xảy ra ở phụ nữ bị PCOS, sẽ là một tiên đoán quan trọng cho sẩy thai liên tiếp.
+ Bệnh lý tuyến giáp: Một số nghiên cứu đã báo cáo tỷ lệ sẩy thai ở phụ nữ có nồng độ kháng thể tuyến giáp trong huyết thanh cao. Bệnh tuyến giáp tự nhiễm còn cho thấy liên quan đến tình trạng vô sinh và làm tổ bất thường nhưng chưa rõ cơ chế.
+ Tình trạng tăng đông: Hình thành huyết khối trong các động mạch xoắn làm giảm tưới máu bánh nhau có thể gây ra sẩy thai, thai chậm tăng trường trong tử cung, nhau bong non, tiền sản giật. Tuy nhiên, việc điều trị tình trạng tăng đông ở phụ nữ sẩy thai liên tiếp còn tranh cải và không chắc những phụ nữ sẩy thai liên tiếp nên đánh giá các bất thường về đông máu.
+ Hóa chất môi trường: Các hóa chất trong môi trường xung quanh hoặc ăn vào, có thể gây ra sẩy thai liên tiếp. Việc một hóa chất môi trường gây sẩy thai cũng phụ thuộc vào loại và thời gian tiếp xúc, mức độ đi vào tuần hoàn của thai nhi, tuổi thai của thai khi tiếp xúc, và các trường hợp mang thai có bệnh kèm theo. Rõ ràng rằng khi phơi nhiễm với các kim loại nặng (ví dụ: chì và thủy ngân), dung môi hữu cơ, chất phóng xạ, rượu có thể gây sẩy thai. Nếu nghi ngờ tiếp xúc những chất này là nguyên nhân của sẩy thai, sau đó tốt nhất là tránh tiếp xúc .
ĐÁNH GIÁ BỆNH SỬ VÀ THĂM KHÁM LÂM SÀNG
» Bệnh sử: Bệnh sử nên mô tả về tuổi thai và các đặc điểm của tất cả các lần mang thai trước đó. Tuổi thai là quan trọng vì sẩy thai liên tiếp thường xảy ra ở những lần mang thai cùng tuổi thai và những nguyên nhân chính gây sẩy thai liên tiếp thường thay đổi theo tuổi thai. Ví dụ, sẩy thai liên quan đến các khiếm khuyết về nhiễm sắc thể và nội tiết có xu hướng xảy ra sớm hơn những do các bất thường về giải phẫu hoặc miễn dịch.
+ Những thông tin cần hỏi thêm:
– Thai phụ đã từng nạo buồng tử chung chưa, có bị dính buồng tử cung không.
– Chu kỳ kinh nguyệt đều không.
– Có tiếp xúc với các chất độc hóa học không.
– Có tiền sự bị hội chứng kháng phospholipid không? Hay tiền sử về bệnh tăng đông không?
– Những thông tin về xét nghiệm, hình ảnh học trước đó.
» Thăm khám lâm sàng: Thăm khám lâm sàng ngoài đánh giá tổng trạng nên đánh giá những dấu hiệu của bệnh lý nội tiết như (rậm lông,..) và các bất thường vùng chậu (bất thường tử cung,…)
Ảnh minh họa – nguồn internet
» Đánh giá sức khỏe tinh thần: Sẩy thai liên tiếp có thể gây stress cho cặp vợ chồng. Trong một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ phụ nữ bị sẩy thai liên tiếp trầm cảm cao gấp 4 lần và bị stress nặng cao gấp đôi so với phụ nữ không bị sẩy thai liên tiếp.
ĐÁNH GIÁ CẬN LÂM SÀNG
» Những xét nghiệm cần thực hiện ở những phụ nữ sẩy thai liên tiếp là:
+ Công thức máu
+ Nhóm máu
+ Kháng thế kháng phospholipid (xét nghiệm ELISA cho IgG,IgM), lupus ban đỏ.
+ Mặc dù, việc xét nghiệm thường quy chức năng tuyến giáp, đái tháo đường, nồng độ prolactin không được thường quy ở một số quốc gia, tuy nhiên, việc phát hiện sớm bệnh lý liên quan đến kết cục sau này, do đó nhiều bệnh viện vẫn áp dụng xét nghiêm này vào thường quy.
+ Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa kỳ(ASRM) khuyến cáo tầm soát tình trạng tăng đông đối với phụ nữ có tiền căn huyết khối tĩnh mạch.
» Hình ảnh học:
+ Chụp buồng tử cung vòi trứng cản quang: Được dùng để đánh giá bất thường về giải phẫu tử cung, vòi trứng. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ra dị ứng chất cản quang hoặc viêm vùng chậu do đó hiện này không được dùng thường xuyên trong tầm soát bất thường tử cung.
+ Siêu âm bơm nước buồng tử cung: là một kỹ thuật hình ảnh khác giúp cho việc đánh giá giải phẫu buồng tử cung. Mặc dù phương pháp này ít đau và chính xác hơn chụp buồng tử cung vòi trứng cản quang trong chẩn đoán, nhưng do đây là phương pháp xâm lấn và trang thiết bị cũng không có sẵn nên không được sử dụng rộng rãi.
+ Siêu âm: Siêu âm ngã âm đạo hay ngã bụng giúp cho việc chẩn đoán tử cung có vách ngăn và những bệnh lý như u xơ tử cung,.., ngoài ra đây là phương pháp rẻ, nhanh, tiện lợi nên thường được dùng rộng rãi.
+ MRI: có ích cho phân biệt nghi ngờ tử cung có vách ngăn hoặc tử cung hai sừng trên siêu âm. Phương pháp này không xâm lấn, nhưng mắc tiền và không phải thiết bị có sẵn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
» Togas Tulandi, MD, MHCM, Haya M Al-Foxan, MD, Recurrent pregnancy loss, Uptodate (2021)
» BMJ Best Practice, Assessment of recurrent miscarriage.(2018).
xem thêm
U buồng trứng khi mang thai(Mở trong cửa số mới)
THAI KỲ NGUY CƠ CAO(Mở trong cửa số mới)
Một số bài viết khác:
SỰ GIA TĂNG NGUY CƠ MỔ LẤY THAI Ở BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG DO CƠN GÒ TỬ CUNG KÉM
CỬ ĐỘNG THAI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
BỆNH PHỤ KHOA – CÁC BỆNH LÝ VỀ ÂM HỘ
DỰ PHÒNG THIẾU MÁU TRONG THAI KỲ
Ý NGHĨA XÉT NGHIỆM MÁU KHI MANG THAI
LỢI ÍCH NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ, CHO CON BÚ ĐÚNG CÁCH