ĐA ỐI & NHỮNG ĐIỀU MẸ QUAN TÂM

Tổng quan

             Đa ối là tình trạng lượng nước ối quá nhiều. Đa ối liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các kết cục bất lợi khi mang thai, bao gồm sinh non, bong nhau thai và dị tật thai nhi.

 

             Tỷ lệ sản phụ bị đa ối trong dao động từ 1-2%.

 

             Đa ối nên được nghi ngờ trên lâm sàng khi kích thước tử cung lớn so với tuổi thai (Bề cao tử cung [cm] vượt quá so với tuổi thai mong đợi trên 3cm). Chẩn đoán được thực hiện trước khi khám dựa trên siêu âm cho thấy thể tích nước ối quá mức (AFV) bằng kỹ thuật định lượng không xâm lấn, chẳng hạn như chỉ số nước ối ≥24 cm hoặc khoang ối sâu nhất ≥8 cm.

 

Nguyên nhân gây ra đa ối

 

             Thể tích nước ối phản ánh sự cân bằng giữa sản xuất và sự dịch chuyển ra khỏi túi ối của dịch ối. Các cơ chế phổ biến nhất của đa ối là giảm khả năng nuốt và tăng khả năng đi tiểu của thai nhi. Đa ối có thể vô căn hoặc liên quan đến nhiều loại rối loạn. Trong số đó, dị tật thai nhi (thường liên quan đến các hội chứng hoặc bất thường di truyền cơ bản) là tình trạng phổ biến nhất liên quan đến chứng đa ối nặng, trong khi bệnh đái tháo đường ở mẹ, đa thai và các yếu tố vô căn thường liên quan đến các trường hợp đa ối mức độ nhẹ hơn. Đôi khi, nhiều con đường liên quan đến việc sản xuất nước ối dư thừa. Ví dụ, u trung mô thận có liên quan đến đa ối trong khoảng 70% các trường hợp và góp phần vào tỷ lệ sinh non cao (25%). Bên cạnh đó, nước ối tăng có thể do tăng sản xuất nước tiểu do tăng tưới máu ở thận, giảm hấp thu qua đường tiêu hóa do chèn ép ruột, hoặc khối u tiết prostaglandin dẫn đến đa niệu do tăng calci máu. Dưới đây là một số tình trạng có thể liên quan đến đa ối:

 

             +             Dị tật thai nhi: Dị tật thai nhi chiếm khoảng một phần ba các trường hợp đơn thai có đa ối. Đa ối có liên quan đến dị tật thai nhi ở hầu hết các hệ cơ quan. Các dị thường phổ biến nhất cản trở quá trình nuốt và / hoặc hấp thụ dịch ối của thai nhi. Tắc nghẽn đường tiêu hóa có thể là nguyên phát (ví dụ như tắc tá tràng, thực quản hoặc đoạn trên của ruột) hoặc thứ phát (ví dụ, thận loạn sản lớn một bên, khối u lớn trong lồng ngực, thoát vị hoành).

 

             +             Rối loạn thần kinh cơ – Rối loạn thần kinh cơ của thai nhi có thể cản trở việc nuốt bao gồm chứng loạn dưỡng cơ và thai vô sọ.

 

             +             Hội chứng Bartter: Loại hội chứng Bartter trước sinh thường gặp nhất là một bất thường ống thận hiếm gặp liên quan đến tình trạng nhiễm kiềm hạ kali máu do ống thận. Kết quả là thai nhi phát triển chứng đa niệu và đa ối tiếp theo trong khoảng thời gian từ 24 đến 30 tuần tuổi thai. Trẻ sơ sinh sẽ biểu hiện đa niệu sau sinh và mất muối qua thận kéo dài, cần điều trị suốt đời.

 

             +             Thể lệch bội: Sự kết hợp giữa tình trạng giới hạn tăng trưởng của thai nhi và đa ối gợi ý thể lệch bội ba nhiễm sắc thể 18 (trisomy 18); bên cạnh đó cũng thường kèm theo các dấu hiệu khác của trisomy 18 trên siêu âm. Nước ối dư thừa trong hội chứng này có thể liên quan đến khó nuốt hoặc các bất thường về đường ruột. Bên cạnh đó, các thể lệch bội khác cũng có liên quan đến đa ối, thường gặp nhất là trisomy 21, có khả năng liên quan đến các trường hợp teo tá tràng.

 

             +             Hội chứng truyền máu song thai (Twin-twin transfusion syndrome- TTTS): Đa thai chiếm tới 10% các trường hợp đa ối. Trong đa thai chung một bánh nhau, tình trạng đa ối/thiểu ối gợi ý nhiều nhất đến TTTS.

 

             +             Các trạng thái cung lượng tim cao: Các trạng thái cung lượng tim của thai nhi cao có thể dẫn đến tăng sản xuất nước tiểu của thai nhi. Thiếu máu là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này ở thai nhi, bên cạnh đó còn có thể do thông nối động mạch (ví dụ, u quái cùng cụt, TTTS, u màng đệm), rối loạn nhịp nhanh và các rối loạn khác.

 

             Thiếu máu có thể là do miễn dịch đồng loại, nhiễm parvovirus B19, chảy máu thai nhi sang mẹ lượng lớn hoặc mạn tính, alpha-thalassemia, tan máu thứ phát do thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase. 

 

             #             Đái tháo đường ở mẹ: Đái tháo đường ở mẹ chiếm 8 đến 25% các trường hợp thai nghén bị đa ối. Cơ chế gây ra đa ối trong thai kỳ phức tạp do bệnh tiểu đường ở người mẹ là không rõ ràng. 

 

             #             Các trường hợp vô căn: Khoảng 40% đa ối là vô căn. Tuy nhiên sau khi sinh, khoảng 25% các trường hợp được cho là vô căn trước khi sinh phát hiện được nguyên nhân. Thiếu máu bào thai, hội chứng Bartter, nhiễm trùng và rối loạn thần kinh cơ là một số trường hợp được coi là vô căn trước khi sinh.

 

Biểu hiện và chẩn đoán

 

             Đa ối biểu hiện với kích thước tử cung lớn hơn so với tuổi thai hoặc là được phát hiện tình cờ qua siêu âm trong thai kỳ.

Bà bầu dư ối có nên uống nhiều nước? | Phụ Nữ Sức Khỏe

Ảnh Internet

             Sự gia tăng thể tích nước ối thường không có triệu chứng, nhưng nếu tình trạng bụng to nghiêm trọng, triệu chứng khó thở dai dẳng, kích thích tử cung và các cơn co thắt, khó chịu ở bụng có thể xảy ra do tử cung quá lớn và áp lực nước ối cao. 

 

             Chẩn đoán đa ối dựa trên hình ảnh siêu âm về sự gia tăng thể tích nước ối. 

                         +             Khoang ối sâu nhất (SDP) ≥8 cm hoặc

                         +             Chỉ số ối (AFI) ≥24 cm

 

             Đa ối cũng có thể được phân loại là nhẹ, trung bình hoặc nặng.

 

Tiên lượng và kết cục thai kỳ

 

             Nhiều trường hợp đa ối vô căn tự khỏi, đặc biệt nếu mức độ nhẹ. Tuy nhiên, đa ối có thể làm tăng nguy cơ mắc một số kết cục bất lợi khác ngoài các kết cục xấu về bất thường hình thái thai nhi liên quan, chẳng hạn như:

 

             +             Giảm hoạt động hô hấp của mẹ

 

             +             Ối vỡ non

 

             +             Chuyển dạ sinh non và sinh non

 

             +             Dị tật thai nhi

 

             +             Thai to (có khả năng dẫn đến chứng loạn vận động ở vai)

 

             +             Sa dây rốn

 

             +             Nhau bong non khi vỡ ối

 

             +             Giai đoạn chuyển dạ hoạt động kéo dài hơn

 

             +             Đờ tử cung sau sinh

 

             Những biến chứng này làm tăng nguy cơ sinh mổ và nhập viện chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh.

             Tiên lượng thai nhi / trẻ sơ sinh: Chuyển dạ sinh non và ối vỡ non trên thai non tháng có thể dẫn đến sinh non tự phát; Sinh non ở những thai kỳ bị đa ối cũng có thể xảy ra do thầy thuốc can thiệp thủ thuật nhằm kiểm soát các biến chứng thai kỳ.

 

Xử trí đa ối

 

             #             Đa ối có nguyên nhân: Cần hướng dẫn việc giám sát thai nhi và bà mẹ trước sinh, quản lý trong lúc sinh con và thời điểm chấm dứt thai kỳ dựa trên nguyên nhân gây đa ối cụ thể. Đối với sản phụ đa ối có triệu chứng nặng, việc xử trí các triệu chứng ở mẹ tương tự như đối với bệnh nhân đa ối vô căn. 

 

             #             Đa ối vô căn: Xử trí đa ối vô căn phụ thuộc vào tuổi thai, mức độ nghiêm trọng và sự hiện diện của các triệu chứng. Cần theo dõi thai nhi trước sinh ở tất cả bệnh nhân bị đa ối vô căn.

 

a.              Đối với đa ối nhẹ đến trung bình: khi chẩn đoán đa ối cần thực hiện trắc đồ sinh vật lý (BPP) với nonstress test (NST) và sau đó thực hiện các xét nghiệm này mỗi 1-2 tuần cho đến 37 tuần, và sau đó thực hiện hàng tuần từ tuần thứ 37 đến lúc sinh.

Bệnh nhân không bị đa ối nặng, không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ không phải là đối tượng để can thiệp vì họ thường không gặp các triệu chứng nghiêm trọng liên quan đến đa ối, kết cục thai kỳ có thể không bị ảnh hưởng xấu và không có biện pháp can thiệp nào giúp cải thiện kết cục thai kỳ.

 

Mẹ Bầu Bị Thiếu Nước Ối Phải Làm Sao? Và 5 Giải Pháp Đi Kèm

Ảnh Internet

b.              Đối với đa ối nặng: cần thực hiện BPP (bao gồm cả NST) hàng tuần từ khi chẩn đoán cho đến khi sinh. 

Đa ối nặng (chỉ số ối [AFI] ≥35 cm hoặc khoang ối sâu nhất ≥16 cm) có thể khiến mẹ khó thở, khó chịu ở bụng và co thắt tử cung. Quyết định can thiệp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng:

 

             +             Đối với những bệnh nhân bị đa ối nặng gây khó thở dữ dội và/ hoặc khó chịu ở bụng: có thể chỉ định chọc ối giải áp để đưa thể tích ối về bình thường, mục đích là để giảm bớt sự khó chịu đáng kể cho mẹ và tránh sinh non do thầy thuốc đối với các chỉ định của mẹ. Tuy nhiên không có bằng chứng cho thấy thủ thuật này giúp kéo dài thời gian mang thai bằng cách giảm nguy cơ sinh non tự phát. 

 

             +             Đối với bệnh nhân chuyển dạ sinh non/ co thắt tử cung thường xuyên

 

                         –             Tuổi thai <32 tuần và triệu chứng không thỏa các tiêu chí để chọc ối giải áp- Đối với những bệnh nhân chuyển dạ sinh non/ kích thích tử cung nhưng không khó thở dữ dội hoặc khó chịu ở vùng bụng, có thể  dùng indomethacin một đợt ngắn (48 giờ) để giảm hoạt động co thắt và có khả năng giúp trì hoãn việc sinh con. Một ưu điểm khác của indomethacin là nó có thể làm giảm AFV. Bên cạnh đó, betamethasone cũng được sử dụng trước sinh, vì nguy cơ sinh non.

 

                         –             Tuổi thai <32 tuần và triệu chứng thỏa các tiêu chí để chọc ối giải áp: Đối với những bệnh nhân <32 tuần cần được chọc ối vì khó thở hoặc khó chịu ở bụng và có các cơn gò tử cung, chúng tôi sẽ tiêm một đợt indomethacin ngắn (48 giờ) trước và/ hoặc sau thủ thuật chọc ối để tận dụng cả tác dụng giảm co tử cung và tác dụng điều trị của nó (giảm tốc độ tích tụ nước ối và đa ối tái phát). Chọc ối cũng có thể làm giảm hoạt động của tử cung.

 

                         –             Tuổi thai từ 32 đến <34 tuần: Không sử dụng indomethacin để điều trị chuyển dạ sinh non/ kích thích tử cung vì có khả năng ảnh hưởng xấu đến thai nhi/ trẻ sơ sinh. Thay vào đó một loại thuốc giảm co tử cung khác sẽ được sử dụng (ví dụ: nifedipine hoặc một chất đồng vận thụ thể beta-2), nếu cần, để trì hoãn việc sinh con và có thể sử dụng betamethasone trước sinh.

 

                         –             ≥34 tuần: Không sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm co tử cung nào để điều trị chuyển dạ sinh non / tình trạng khó chịu ở tử cung ở những thai có tuổi thai ≥34 tuần. Bên cạnh đó, betamethasone có thể được sử dụng cho những trường hợp mang thai tuổi thai từ 34 tuần đến 36 tuần 6 ngày có nguy cơ sinh non cao trong vòng bảy ngày tới. 

 

             +             Các triệu chứng kháng trị: Chọc hút ối sẽ làm giảm các triệu chứng của mẹ ngay lập tức, nhưng nước ối có thể tích tụ trở lại trong vòng vài ngày đến vài tuần.

 

                         –             Tuổi thai <34 tuần: Đối với những bệnh nhân có triệu chứng nặng do đa ối tái phát sau lần chọc ối đầu, chúng tôi tiến hành chọc ối lặp lại. Chúng tôi cũng xem xét, tùy từng trường hợp, một liệu trình indomethacin ngắn khác (48 giờ) cho những người <32 tuần bị kích thích tử cung dai dẳng để tận dụng các tác dụng đối với giảm AFV và cơn gò tử cung của thuốc.

 

                         –             Tuổi thai ≥34 tuần: Đối với những bệnh nhân đa ối có triệu chứng nặng ≥34 tuần mà phương pháp hút ối không thành công do sự tích tụ ối nhanh chóng, các bác sĩ sẽ thảo luận về việc chấm dứt thai kỳ cho từng trường hợp cụ thể để giảm bớt sự khó chịu cho mẹ.

 

Nguồn tham khảo: 

Uptodate- Ron Beloosesky-Polyhydramnios: Etiology, diagnosis, and management

https://www.uptodate.com/contents/polyhydramnios-etiology-diagnosis-and-management?search=polyhydramnios%20patient%20education&source=search_result&selectedTitle=1~124&usage_type=default&display_rank=1#H828947198

 

XEM THÊM

Đa ối có ảnh hưởng gì đến thai kỳ(Mở trong cửa số mới)

 

Thiểu ối – Mẹ bầu nên làm gì khi nước ối ít(Mở trong cửa số mới)

 

Để lại một bình luận