Tiêm vắc xin là biện pháp giúp cơ thể tạo miễn dịch bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất kháng thể chống lại tác nhân vi sinh vật gây bệnh từ đó giúp cơ thể không nhiễm bệnh.
Một số vắc xin có thể sử dụng an toàn cho phụ nữ có thai nhưng cũng có một số loại vắc xin phải tiêm ít nhất một tháng trước khi có thai.
Ảnh minh họa – nguồn internet
Những vắc xin cần tiêm trước khi mang thai
Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, các vắc xin thường quy mà mọi phụ nữ có kế hoạch có thai đều cần tiêm phòng như sau:
+ Sởi, quai bị, rubella (MMR) là các vắc xin quan trọng nhưng không thể tiêm trong thai kỳ hay trong tháng trước khi mang thai. Nếu tiêm vắc xin này vào đầu thai kỳ có thể gây sẩy thai, điếc hoặc các dị tật ở mắt, tim, não thai nhi. Ngoài ra, nếu mắc sởi trong thai kỳ sẽ bệnh nặng hơn so với không có thai. Ngoài ra, se an toàn hơn cho phụ nữ mang thai khi các thành viên trong gia đình cũng được tiêm vắc xin MMR. Nếu phát hiện mình đã mắc bệnh sởi hoặc tiếp xúc gần với người đang mắc sởi thì sản phụ nên đến bệnh viện để được điều trị.
+ Thủy đậu: nếu bạn chưa từng mắc thủy đậu hoặc tiêm ngừa thủy đậu không đủ số mũi thì bạn cần đến khám để bác sĩ xét nghiệm máu kiểm tra tình trạng miễn dịch của bạn với thủy đậu. Nếu kết quả cho thấy bạn chưa được miễn dịch thì bạn cần phải tiêm vắc xin thủy đậu ít nhất 1 tháng trước khi có thai. Nếu mắc thủy đậu trong giai đoạn đầu mang thai thai nhi sẽ có nguy cơ bị dị tật. Ngoài ra, trong suốt thai kỳ nếu mắc thủy đậu thì bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho thai phụ như viêm phổi. Nếu tiếp xúc với một người mắc thủy đậu hoặc zona thì thai phụ có khả năng mắc thủy đậu. Khi đó thai phụ cần đến bệnh viện để được bác sĩ đánh giá nguy cơ và điều trị dự phòng thủy đậu sau phơi nhiễm bằng kháng thể kháng varicella-zoster (VariZIG).
+ Human papilloma virus: vắc xin ngừa HPV được khuyến cáo cho tất cả phụ nữ không mang thai trong độ tuổi 9-26 tuổi. Vắc phòng ngừa HPV không được khuyến cáo cho phụ nữ đang mang thai.
Những vắc xin cần tiêm trong giai đoạn mang thai
+ Cúm là một bệnh nguy hiểm cho phụ nữ có thai và trẻ nhũ nhi với nguy cơ biến chứng cao. Vì vậy mọi phụ nữ có thai đều cần tiêm vắc xin phòng cúm nếu mang thai có qua mùa cúm (mùa đông). Vắc xin cúm không có tác dụng gây hại nào đối với thai nhi mà còn giúp bảo vệ em bé khỏi bệnh cúm đến 6 tháng tuổi, sau đó bé sẽ được tiêm vắc xin phòng cúm riêng mình. Lưu ý rằng thai phụ nên sử dụng vắc xin dạng tiêm, không nên dùng vắc xin dạng bơm/xịt mũi bởi vì chúng là vắc xin sống.
+ Bạch hầu, uốn ván và ho gà (Dtap): sản phụ nên tiêm vắc xin phòng bạch hầu, uốn ván và vắc xin ho gà dạng vô bào vào lúc thai 27-36 tuần tuổi, dù đã được tiêm phòng từ trước khi mang thai. Trẻ sơ sinh sẽ có nguy cơ bị biến chứng nặng khi bị ho gà, vắc xin này sẽ bảo vệ trẻ khỏi ho gà và giúp bệnh nhẹ hơn nếu nhiễm.
Những vắc xin không bắt buộc, nhưng được khuyến cáo sản phụ nên tiêm:
+ Vắc xin ngừa viêm san siêu vi A cho những thai phụ có nguy cơ nhiễm viêm gan siêu vi A. Những thai phụ có nguy cơ nhiễm vi-rút viêm gan A khi du lịch, việc ăn uống không đảm bảo, có bệnh lý nền, phơi nhiễm trong đại dịch. Đây là vi-rút có thể gây ra nhiều biến chứng cho thai kỳ như sinh non, hoặc bất thường nhau thai. Vắc xin chưa có nguy cơ ảnh hưởng lên thai nhi nào được biết.
+ Vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B: mắc vi-rút viêm gan B sẽ có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng dẫn đến viêm gan mạn. Vi-rút này cũng có thể đi qua hàng rào nhau thai và truyền đến thai nhi. Mọi thai phụ chưa có miễn dịch với viêm gan siêu vi B đều nên tiêm 3 mũi phòng trước khi mang thai. Vắc xin chưa có nguy cơ ảnh hưởng lên thai nhi nào được biết.
+ Vắc xin phòng phế cầu: phế cầu là vi khuẩn có thể gây viêm phổi và một số nhiễm trùng khác như viêm tai giữa, viêm màng não. Tốt nhất vắc xin này nên được tiêm trước khi có thai, tuy nhiên nó vẫn an toàn khi tiêm vào 3 tháng giữa và cuối thai kỳ, chưa có đủ bằng chứng an toàn khi tiêm vào 3 tháng đầu thai kỳ.
+ Sốt vàng: đây là bệnh do vi-rút được lây truyền qua loài muỗi, gây ra những tổn thương gan nghiêm trọng, xuất huyết và có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, bệnh này lưu hành chủ yếu ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ và Nam Phi cận Sahara do đó thai phụ nên tránh đi du lịch đến những vùng này khi mang thai. Nếu không thể tránh đi đến những vùng này, nguy cơ nhiễm sốt vàng rất cao, do đó thai phụ cần đến khám tham vấn ý kiến bắc sĩ và được tiêm vắc xin vi-rút sống trong thai kỳ.
+ Một số vắc xin khác có thể dự phòng: tả, não mô cầu, dại, viêm não Nhật Bản, thương hàn, đậu mùa, HiB.
+ Zona: có hai loại vắc xin có thể dùng 1) vắc xin vi-rút sống: không được sử dụng cho phụ nữ có thai. 2) vắc xin tái tổ hợp: không có thông tin an toàn cho phụ nữ có thai. Ngoài ra cả hai loại vắc xin này đều được dùng cho người trên 50 tuổi, độ tuổi này thường không có thai.
Tài liệu tham khảo
https://www.uptodate.com/contents/vaccination-during-pregnancy-beyond-the-basics
XEM THÊM
Tiêm vaccine ngừa covid 19 ở phụ nữ có thai & cho con bú(Mở trong cửa số mới)
Tiêm ngừa thủy đậu trước khi mang thai(Mở trong cửa số mới)
Tìm hiểu về bệnh bạch hầu và thai kỳ(Mở trong cửa số mới)
VẮC-XIN HPV VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT(Mở trong cửa số mới)
VIÊM NỘI MẠC TỬ CUNG SAU SINH(Mở trong cửa số mới)
Một số bài viết khác:
SỰ GIA TĂNG NGUY CƠ MỔ LẤY THAI Ở BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG DO CƠN GÒ TỬ CUNG KÉM
CỬ ĐỘNG THAI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
BỆNH PHỤ KHOA – CÁC BỆNH LÝ VỀ ÂM HỘ
DỰ PHÒNG THIẾU MÁU TRONG THAI KỲ
Ý NGHĨA XÉT NGHIỆM MÁU KHI MANG THAI
LỢI ÍCH NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ, CHO CON BÚ ĐÚNG CÁCH