Tổng quan về thiểu ối
Nước ối đóng vai trò rất quan trong trọng sự hình thành và phát triển của thai nhi, có tác dụng bảo vệ thai cũng như giúp hình thành đầu ối trong giai đoạn chuyển dạ. Bất kể vấn đề bất thường về tính chất trong cũng như thể tích nước ối cũng đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Thiểu ối là tình trạng thể tích nước ối ít hơn đối với tuổi thai dự kiến. Thiểu ối thường được chẩn đoán bằng cách siêu âm và có thể được mô tả một cách định tính (chẳng hạn giảm thể tích nước ối) hoặc định lượng (như chỉ số ối ≤5 cm, độ sâu xoang ối lớn nhất <2 cm). Vì nước ối rất quan trọng đối với sự phát triển của phổi và chuyển động bình thường của thai nhi cũng như để tạo lớp đệm cho thai nhi và dây rốn không bị tử cung chèn ép, những thai kỳ phức tạp do thiểu ối bởi bất kỳ nguyên nhân nào cũng đều có nguy cơ gây biến dạng thai nhi, thiểu sản phổi và chèn ép dây rốn.
Thiểu ối có thể có nguyên nhân từ mẹ, thai nhi, nhau thai hoặc vô căn. Tiên lượng của thai nhi phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm nguyên nhân cơ bản gây thiểu ối, mức độ nghiêm trọng (giảm thể tích nước ối so với vô ối) và tuổi thai xảy ra thiểu ối. Thiểu ối có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong thai nhi hoặc tử vong sơ sinh, nguyên nhân có thể cơ bản là do giảm thể tích nước ối hoặc do di chứng của giảm thể tích nước ối.
Ảnh Internet
Nguyên nhân thiểu ối là gì?
Các nguyên nhân gây của thiểu ối thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng và giai đoạn thai kỳ mà chúng được chẩn đoán. Đa số phụ nữ có thiểu ối hoặc lượng nước ối cận biên thấp (borderline- low normal) ít xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ ba và không xác định được nguyên nhân.
+ Tam cá nguyệt đầu tiên – Căn nguyên của chứng thiểu ối trong tam cá nguyệt đầu tiên thường không rõ ràng. Thể tích nước ối giảm trước khi thai được 10 tuần tuổi là rất hiếm vì nước ối chủ yếu bắt nguồn từ mặt thai nhi của nhau thai, dòng chảy qua màng ối từ khoang mẹ và sự tiết dịch từ bề mặt cơ thể của phôi thai.
+ Tam cá nguyệt thứ hai – Đến đầu tam cá nguyệt thứ hai, nước tiểu của thai nhi bắt đầu đi vào túi ối và thai nhi bắt đầu nuốt nước ối. Do đó, các rối loạn liên quan đến hệ thống thận/ tiết niệu của thai nhi bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong căn nguyên của thiểu ối. Các bất thường này bao gồm rối loạn tại thận (ví dụ bệnh nang thận) và tổn thương tắc nghẽn của đường tiết niệu dưới (như van niệu đạo sau, hẹp niệu đạo).
Bên cạnh đó, các yếu tố của mẹ và nhau thai, chẳng hạn vỡ màng ối (chấn thương hoặc không phải do chấn thương), cũng là những nguyên nhân phổ biến của thiểu ối trong tam cá nguyệt thứ hai.
Một cuộc khảo sát trên 128 thai nhi lần đầu tiên bị thiểu ối nặng/ vô ối ở tuổi thai 13 đến 24 tuần đã ghi nhận các nguyên nhân: bất thường thai nhi (51%), ối vỡ non trên thai non tháng (PPROM) (34%), nhau bong non (7%), hạn chế tăng trưởng của thai nhi (FGR) (5%) và vô căn (4%). Kết cục thai kỳ thường không tốt do thai chết lưu, chết trong giai đoạn sơ sinh hoặc chấm dứt thai kỳ.
Ảnh Internet
+ Tam cá nguyệt thứ ba – Thiểu ối được chẩn đoán lần đầu trong tam cá nguyệt thứ ba thường liên quan đến PPROM hoặc giảm chức năng tử cung-nhau thai do các tình trạng như tiền sản giật hoặc các bệnh mạch máu khác của mẹ. Thiểu ối thường đi kèm với hạn chế tăng trưởng của thai nhi liên quan đến giảm chức năng tử cung-nhau thai. Sự bất thường của thai nhi và nhau bong non cũng đóng một vai trò nhất định ở tuổi thai này. Thể tích nước ối thường giảm ở thai già tháng, do đó có thể dẫn đến thiểu ối. Ngoài ra, nhiều trường hợp thiểu ối trong tam cá nguyệt thứ ba là vô căn.
Nhiễm trùng TORCH ở mẹ (toxoplasma gondii, virus rubella, cytomegalovirus, virus herpes simplex) và nhiễm trùng parvovirus B19 có thể lây nhiễm cho thai nhi cũng như có thể liên quan đến thiểu ối trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba của thai kỳ.
Có thể có mối liên quan giữa việc mang thai trong mùa hè và thiểu ối, do sự cung cấp nước dưới mức tối ưu của mẹ trong thời tiết nóng.
Biểu hiện và chẩn đoán
Biểu hiện: Có thể nghi ngờ sản phụ bị thiếu ối khi kích thước tử cung nhỏ hơn so với tuổi thai mong đợi hoặc sản phụ có biểu hiện ối vỡ non hoặc phát hiện tình cờ qua siêu âm.
Chẩn đoán:
Đánh giá thể tích nước ối dựa trên tiêu chuẩn chủ quan qua sử dụng siêu âm như khoang ối sâu nhất (SDP) <2 cm hoặc chỉ số ối (AFI) ≤5 cm; hay bằng phương pháp khách qua là pha loãng thuốc nhuộm trong nước ối và tính thể tích nước ối- tiêu chuẩn vàng để định lượng thể tích.
Đa thai: SDP <2 cm cũng được sử dụng để chẩn đoán thiểu ối ở đa thai.
Ảnh Internet
Tiên lượng
Thể tích nước ối giảm trong tam cá nguyệt đầu tiên thường là một tình trạng đáng ngại. Các bác sĩ sẽ tư vấn cho những bệnh nhân này về tiên lượng xấu, trao đổi về các dấu hiệu sẩy thai và theo dõi thai kỳ với các cuộc kiểm tra siêu âm hàng loạt để xác định diễn tiến thai kỳ.
Tiên lượng và xử trí của thiểu ối trong tam cá nguyệt thứ hai phụ thuộc vào căn nguyên cơ bản và mức độ nghiêm trọng của thiểu ối. Những thai kỳ có thể tích ối cận biên thấp thường có tiên lượng tốt. Vô ối được chẩn đoán tại thời điểm này có thể gây ra các bất thường về hình thái và chức năng của thai nhi và thường dẫn đến tử vong thai nhi hoặc sơ sinh. Kết cục bất lợi liên quan đến chèn ép dây rốn, suy giảm chức năng tử cung-bánh nhau và hít phân su. Do đó cần thực hiện NST và đo AFI (hoặc trắc đồ sinh vật lý- BPP) một hoặc hai lần mỗi tuần cho đến khi sinh.
Đối với những phụ nữ mắc chứng thiểu ối vô căn, nên chấm dứt thai kỳ lúc thai từ 36 tuần đến 37 tuần 6 ngày thay vì điều trị mong đợi.
Xử trí
Những biến chứng thai kỳ cụ thể liên quan đến thiểu ối sẽ được quản lý phù hợp với tình trạng bệnh.
Với những trường hợp có nguy cơ cao xảy ra kết cục bất lợi, bác sĩ sẽ chỉ định chấm dứt thai kỳ ở những bệnh nhân bị thiểu ối đủ tháng.
Đối với bệnh nhân cấp cứu, cần thực hiện non-stress test (NST) và đo khoang ối sâu nhất (SDP) hoặc thực hiện trắc đồ sinh vật lý (BPP) một hoặc hai lần mỗi tuần cho đến khi sinh, tùy thuộc vào tình trạng của mẹ và thai nhi.
Những bệnh nhân bị thiểu ối mới được chẩn đoán sớm trong tam cá nguyệt thứ ba có thể được nhập viện để đánh giá các nguyên nhân cóv thể xảy ra, NST hàng ngày và tình trạng cung cấp nước của người mẹ nhằm cố gắng tăng thể tích nước ối.
Hiện nay không có phương pháp điều trị thiểu ối nào được chứng minh là có hiệu quả lâu dài. Tuy nhiên, việc cải thiện thể tích nước ối trong thời gian ngắn là có thể thực hiện được và có thể được xem xét trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như khi cần khảo sát hình thái thai nhi.
a. Truyền ối: Truyền ối tạm thời làm tăng thể tích nước ối đã được chỉ định trong các trường hợp sau:
+ Để cải thiện khả năng phát hiện các bất thường của thai nhi: Trong tam cá nguyệt thứ hai, thiểu ối có thể hạn chế việc đánh giá siêu âm tối ưu của thai nhi. Trong những trường hợp như vậy, truyền khoảng 200 ml nước muối sinh lý qua ổ bụng dưới hướng dẫn của siêu âm có thể cung cấp hình ảnh tốt hơn về hình thái của thai nhi và do đó cải thiện độ chính xác trong chẩn đoán. Đó là một lựa chọn hợp lý khi thông tin thu được có thể ảnh hưởng đến việc quản lý thai nghén.
+ Để tạo điều kiện cho ngoại xoay thai: Lượng nước ối giảm làm cản trở sự thành công của ngoại xoay thai. Dữ liệu về việc sử dụng phương pháp truyền nước ối cho chỉ định này có chất lượng thấp và không phù hợp nhưng nhìn chung cho thấy rằng nó không cải thiện tỷ lệ thành công
+ Để ngăn ngừa di chứng của thiểu ối cho thai nhi
b. Bổ sung nước cho mẹ: Trong trường hợp thiểu ối đơn độc mà không có chỉ định chấm dứt thai kỳ, việc bổ sung nước nước bằng đường uống với một đến hai lít nước có thể làm tăng lượng nước ối tạm thời và có thể có một số lợi ích, đặc biệt là ở những bệnh nhân giảm thể tích tuần hoàn. Phương pháp này dễ dàng và an toàn hơn so với truyền dịch qua đường tĩnh mạch hoặc truyền nước ối. Bổ sung nước làm giảm nồng độ natri và độ thẩm thấu huyết tương của người mẹ, dẫn đến dịch từ mẹ sang thai nhi một cách thẩm thấu; nó cũng cải thiện tưới máu tử cung.
c. Các phương pháp điều trị điều tra (Investigational therapies) nhằm tăng thể tích nước ối
+ Bổ sung nước và DDAVP: Việc sử dụng kết hợp uống nước uống và desmopressin (DDAVP) làm tăng lượng nước ối một cách rõ rệt và nhanh chóng. Tác dụng này được cho là do cả bổ sung nước và chống bài niệu ở người mẹ, do đó giảm độ thẩm thấu huyết tương của mẹ. Việc sử dụng DDAVP cho chỉ định này nên được coi là thử nghiệm và chỉ được sử dụng theo các đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.
+ Chất dán mô: Nhiều loại chất dán mô (ví dụ: keo fibrin, bọt biển gelatin, keo dán màng ối) đã cho thấy một số thành công trong việc ngăn chặn sự rò rỉ từ màng ối vỡ trong các báo cáo. Tuy nhiên tính an toàn cũng như hiệu quả của các chất dán mô này đều chưa được xác nhận.
+ Bổ sung nước và sildenafil citrate: Trong một thử nghiệm thí điểm trên những phụ nữ bị thiểu ối vô căn được chẩn đoán sau 30 tuần tuổi thai, việc sử dụng sildenafil citrate 25 mg ba lần/ngày và truyền tĩnh mạch 1 lít dịch sau đó uống nước đã làm tăng đáng kể AFI so với truyền dịch hoặc uống nước đơn trị liệu. Nhóm sildenafil cũng sinh muộn hơn (38,3 so với 36,0 tuần tuổi), có tỷ lệ sinh mổ thấp hơn (28 so với 73%) và tỷ lệ nhập viện chăm sóc đặc biệt sơ sinh thấp hơn (11 so với 41%). Tuy nhiên, một thử nghiệm đa trung tâm ở Hà Lan (STRIDER) dùng cùng liều lượng sildenafil để điều trị giới hạn tăng trưởng sớm có tiên lượng xấu đã bị tạm dừng sớm vì tỷ lệ mắc bệnh phổi và tử vong ở trẻ sơ sinh trong nhóm dùng thuốc cao hơn dự kiến. Vào thời điểm thử nghiệm kết thúc, việc sử dụng sildenafil không mang lại bất kỳ lợi ích nào
+ Truyền ối: Việc truyền ối qua thành bụng đã được sử dụng với một số thành công trong các nghiên cứu để cải thiện kết quả thai nhi ở những thai kỳ bị thiểu ối vô căn, thiểu ối sớm do vỡ ối non trên thai non tháng và thiểu ối do dị tật thận.
+ Dẫn lưu bàng quang- buồng ối (Vesicoamniotic shunt hoặc amnioport): Ở những thai nhi bị thiểu ối do tắc nghẽn đường tiết niệu dưới, đặt ống dẫn lưu ối được sử dụng như một phương pháp để tăng thể tích nước ối và ngăn ngừa các di chứng bất lợi về phổi, chỉnh hình và thận.
Nguồn tham khảo:
Ron B. Oligohydramnios: Etiology, diagnosis, and management- Uptodate
XEM THÊM
Thiểu ối – Mẹ bầu nên làm gì khi nước ối ít(Mở trong cửa số mới)
Đa ối có ảnh hưởng gì đến thai kỳ(Mở trong cửa số mới)
Dấu hiệu nhân biết ối vỡ(Mở trong cửa số mới)
Một số bài viết khác:
SỰ GIA TĂNG NGUY CƠ MỔ LẤY THAI Ở BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG DO CƠN GÒ TỬ CUNG KÉM
CỬ ĐỘNG THAI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
BỆNH PHỤ KHOA – CÁC BỆNH LÝ VỀ ÂM HỘ
DỰ PHÒNG THIẾU MÁU TRONG THAI KỲ
Ý NGHĨA XÉT NGHIỆM MÁU KHI MANG THAI
LỢI ÍCH NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ, CHO CON BÚ ĐÚNG CÁCH