THAI BÁM Ở SẸO MỔ LẤY THAI

1. Thai bám ở sẹo mổ lấy thai là gì?

Thai bám ở sẹo mổ lấy thai là một tình trạng mang thai nhưng vị trí túi thai cấy vào là ở sẹo mổ lấy thai mà không phải là vị trí bình thường trong lòng tử cung. Vị trí này bị xơ sẹo và có nhiều khiếm khuyết so với những vị trí bình thường của buồng tử cung. Do đó, khi túi thai phát triển ở đây, nó có nguy cơ vỡ gây chảy máu ồ ạt và nguy hiểm đến tính mạng của người phụ nữ.

Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng tỉ lệ mổ lấy thai, số trường hợp bị thai bám sẹo mổ cũng tăng lên đáng kể. Áp dụng rộng rãi siêu âm ngả âm đạo để đánh giá các thai kỳ sớm đã góp phần giúp chẩn đoán sớm bệnh lý này, nhờ vậy giảm các rủi ro khi điều trị.

Thai bám sẹo mổ lấy thai cần được chẩn đoán và điều trị sớm.

Biến chứng nguy hiểm nhất là khi khối thai phát triển ngày càng to lên tại vị trí sẹo mổ, chúng sẽ có nguy cơ vỡ gây xuất huyết vào ổ bụng hoặc xuất huyết âm đạo ồ ạt. Khi chảy máu không được kiểm soát ngay, người mẹ có thể tử vong vì sốc mất máu. Ngoài ra, khi bánh nhau bám vào sẹo mổ và phát triển nhiều hơn sẽ có thể xâm lấn vào mặt trước tử cung gây tổn thương bàng quang. Việc điều trị sẽ càng khó khăn nếu bánh nhau xâm lấn vào bàng quang càng nhiều.

Vì những biến chứng nguy hiểm này, thai bám sẹo mổ cần được chẩn đoán và điều trị chấm dứt thai kỳ sớm trước khi có biến chứng xảy ra. Tỉ lệ điều trị thành công và bảo tồn được tử cung sẽ cao hơn nếu bạn được chẩn đoán và điều trị sớm.

Triệu chứng sớm của thai bám sẹo mổ đôi khi chỉ là trễ kinh giống như một thai kỳ bình thường. Do đó, để chẩn đoán sớm, bạn cần đi khám để được xác định vị trí thai thông qua các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm. Ngoài ra bạn có thể bị đau bụng, ra huyết âm đạo bất thường. Nếu có chảy máu vào ổ bụng ở giai đoạn trễ, bạn có thể gặp phải các triệu chứng nặng của mất máu như da xanh, niêm nhạt, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã…

 

2. Làm gì khi có sẹo mổ lấy thai?

Khi đã có sẹo mổ lấy thai, bạn nên ngừa thai có hiệu quả nếu không có kế hoạch sinh thêm con. Nên triệt sản trong khi mổ lấy thai nếu bạn đã lớn tuổi, đủ con và có vết mổ cũ nhiều lần.

Khi có kế hoạch mang thai, bạn không thể dự phòng được bệnh lý này do không có biện pháp can thiệp nào có thể làm thay đổi vị trí làm tổ của khối thai.

Có một số lời khuyên dành cho bạn như sau:

• Nên ngừa thai ít nhất 6 tháng sau mổ lấy thai. Tốt nhất, bạn nên để có thai lại sau mổ 24 tháng.

• Khi trễ kinh hoặc nghi ngờ có thai, bạn nên đến bệnh viện khám ngay để xác nhận vị trí khối thai. Phát hiện bệnh sớm sẽ góp phần giảm các nguy cơ khi điều trị.

• Khi quyết định thực hiện việc nạo hút thai, uống thuốc phá thai… (do thai ngoài ý muốn hay do thai lưu, thai bệnh lý), nếu thai phụ đã từng có mổ lấy thai, cần được khảo sát cẩn thận về việc thai có bám vào sẹo mổ cũ hay không, tránh nguy cơ bị băng huyết do can thiệp không phù hợp.

• Nên sinh thường (ngả âm đạo) khi không có chỉ định mổ lấy thai.

 

 

Mammi – Phòng khám Sản phụ khoa Hiếm muộn Siêu âm 4D

CƠ SỞ 1: 329 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 10, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh

CƠ SỞ 2: 637 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh

SĐT: 0913 935 051 / 082 7777 500 / 094 967 8910

Website: http://mammi.vn

Để lại một bình luận