GIỚI THIỆU
Thời ký hậu sản, hay còn có thể gọi là “tam cá nguyệt thứ tư”, là thời gian sau sinh khi những thay đổi sinh lý của mẹ dần trở về lúc không mang thai. Những thay đổi này có thể làm mẹ cảm thấy lo lắng nên bác sĩ nên tư vấn và giải thích về những thay đổi trong thời kỳ này một cách rõ ràng.
Thời gian bắt đầu hậu sản được thống nhất là ngay sau khi sinh em bé. Tuy nhiên, thời điểm kết thúc của hậu sản thì không được thống nhất rõ ràng, thường sẽ chọn mốc là 6-8 tuần sau sinh vì những thay đổi sinh lý khi mang thai hầu như đều quay về bình thường trong thời gian này. Tuy nhiên, không phải tất cả các cơ quan đều trở về bình thường trong thời gian này, do đó ACOG đã mở rộng thời kỳ hậu sản lên 12 tuần sau sinh và một số tác giả còn đề nghị thời kỳ hậu sản có thể kéo dài đến 12 tháng sau sinh.

NHỮNG THAY ĐỔI SINH LÝ TRONG THỜI KỲ HẬU SẢN:
Sự rùng mình: Cảm giác rùng mình hay ớn lạnh sau sinh xảy ra khoảng 25-50% trường hợp. Cảm giác này thường bắt đầu sau 1-30 phút ngay sau sinh và kéo dài 2-60 phút. Nguyên nhân thực sự thì không được biết rõ, có thể do đáp ứng của tình trạng giảm nhiệt độ của cơ thể lúc chuyển dạ, mất máu mẹ-con, sổ nhau, do phương pháp vô cảm, nhiễm trùng hoặc do tác dụng của thuốc.
Co hồi tử cung
+ Triệu chứng và dấu hiệu:
» Ngay sau khi sổ nhau, tử cung bắt đầu trở lại kích thước như lúc không mang thai, quá trình này được gọi là sự co hồi tử cung. Sự co các cơ tử cung, đặc biệt là khối cơ chéo làm co thắt mạch máu trong cơ tử cung, đó là cơ chế chính ngăn ngừa băng huyết sau sinh. Khi cơ tử cung co không đủ mạnh sẽ dẫn đến đờ tử cung (tử cung mềm, nhão) đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây băng huyết sau sinh sớm. Ngoài co thắt cơ tử cung, sự đông máu tại các mạch máu ở vị trí nhau bám cũng là cơ chế góp phần ngăn chặn nguy cơ băng huyết sau sinh.
» Ngay sau khi sinh, đáy tử cung sẽ trở nên chắc, hình khối cầu và nằm trên đường giữa rốn và khớp vệ và trung bình mỗi ngày nhỏ đi 1cm, khoảng sau 1 tuần thì đáy tử cung nằm giữa rốn và khớp vệ. Sau khoảng 2 tuần thì không còn sờ thấy đáy tử cung trên thành bụng và đạt được kích thước bình thường như không mang thai từ sáu đến tám tuần sau sinh. Quá trình này cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng tử cung căng quá mức trước sinh, đa sản và sinh mổ (tử cung thường lớn hơn trong những trường hợp này), và bằng cách cho con bú (tử cung thường nhỏ hơn vào ba tháng sau sinh ở phụ nữ cho con bú). Trọng lượng của tử cung giảm từ khoảng 1000g đến 60g sau sáu đến tám tuần hậu sản.
+ Dấu hiệu trên siêu âm: Hình ảnh siêu âm bình thường sau sinh đã được mô tả bằng nghiên cứu được thực hiện ở 42 sản phụ sinh ngã âm đạo không biến chứng vào các ngày 1, 3, 7, 14, 28 và 56 sau sinh. Tử cung thường trống nhất trong giai đoạn đầu của thời kỳ hậu sản (ngày 1 và 3), dịch thường được nhìn thấy trong buồng tử cung vào giai đoạn giữa hậu sản (ngày 14), trong khi đó cuối hậu sản (ngày 28 và 56) được đặc trưng bởi một khoang trống với đường trắng mỏng.
Sản dịch:
+ Sản dịch là phần còn lại của màng rụng bị hoại tử và bong tróc ra sau khi bánh nhau bong ra khỏi tử cung. Phần này của màng rụng chia thành hai lớp: Lớp bề mặt bị rụng và lớp sâu bên dưới chừa cá tuyến nội mạc tử cung sẽ được tái tạo thành nội mạc tử cung mới, bao phủ toàn bộ khoang nội mạc tử cung vào khoảng ngày thứ 16 sau sinh.
+ Trong những ngày đầu sau sinh, sự bong tróc bình thường màng rụng kèm theo máu còn sau sinh được mô tả là chảy giống như máu kinh được gọi là sản dịch đỏ (lochia rubra). Sau khoảng 3-4 ngày Phần dịch âm đạo tiết ra càng trở nên loãng hơn, được gọi là sản dịch thanh dịch (lochia serosa) màu hồng nhạt, kéo dài từ hai đến ba tuần. Cuối cùng, khoảng sau ngày thứ 10 dịch tiết chuyển sang màu trắng vàng, là sản dịch trắng (lochia alba) chứa bạch cầu, một số phụ nữ có thể tưởng nhầm trường hợp này là bệnh lý nên cần được giải thích rõ. Về mặt vi thể, sản dịch bao gồm dịch tiết huyết thanh, hồng cầu, bạch cầu, màng rụng, tế bào biểu mô và vi khuẩn
+ Tổng thể tích tiết sản dịch sau sinh là 200 đến 500 mL, được tiết ra trung bình khoảng là một tháng. Có tới 15 phần trăm phụ nữ tiếp tục còn sản dịch sau khi được thăm khám định kỳ sau sinh từ sáu đến tám tuần sau khi sinh. Thời gian sản dịch dường như không liên quan đến việc cho con bú (mặc dù, một số tài liệu cho rằng phụ nữ cho con bú thì có thể làm rút ngắn thời gian sản dịch có thể do tăng khả năng co hồi tử cung do tăng co thắt tử cung liên quan đến cho con bú) hoặc sử dụng các biện pháp tránh thai chứa estrogen hoặc chỉ chứa progesterone, tuy nhiên, đối với phụ nữ bị rối loạn đông máu thì có thể thời gian sản dịch kéo dài hơn
Cổ tử cung:
Ngay sau sinh, cổ tử cung còn mềm, một số vết rách nhỏ có thể tìm thấy tại mép cổ ngoài cổ tử cung. Cổ tử cung thường mở 2-3cm vào những ngày đầu hậu sản và mở <1cm sau 1 tuần. Lỗ ngoài cổ tử cung không bao giờ trở lại được hình dạng như trước khi mang thai mà thay vào đó thì to và thường bè ngang. Về mặt mô học, cổ tử cung không thể trở về trạng thái bình thường như trước khi mang thai cho đến 3-4 tháng sau sinh.
Âm đạo và cơ vùng chậu:
Âm đạo trở nên rộng hơn ngay sau sinh và thường co lại dần dần, nhưng sẽ không đạt được kích thước như trước khi mang thai, các nếp âm đạo sẽ được tái tạo lại vào tuần thứ 3 hậu sản. Sự căng và tổn thương các cân cơ trong lúc sinh em bé dẫn đến dãn các cơ vùng chậu và các cơ này sẽ không bao giờ trở về tình trạng như trước khi mang thai.
hCG:
Nồng độ hCG sẽ giảm nhanh và mất theo hàm số mũ. Trong một nghiên cứu cho thấy thời gian trung bình để mất hoàn toàn hCG sau sinh khoảng 12 ngày ở những phụ nữ mang thai được phẫu thuật cắt tử cung sau sinh. Tuy nhiên, thời gian kéo dài hơn ở phụ nữ không cắt tử cung saus sinh: nồng độ hCG thường trở về mức như không mang thai khoảng hai đến bốn tuần sau sinh trẻ đủ tháng, nhưng có thể lâu hơn. Khi nồng độ hCG tăng sau sinh thì điều đáng lo ngại nhất là bệnh lý nguyên bào nuôi.
Nóng bức:
Một số sản phụ có cảm giác nóng bức sau sinh, và thường tự hết sau một khoảng thời gian. Nguyên nhân thực sự thì không rõ ó thể do rối loạn điều nhiệt sau sinh do giảm estrogen, ngoài ra, nồng độ prolactin cao trong thời kỳ cho con bú cũng ức chế tiết estrogen.
Sự rụng trứng:
Nồng độ gonadotropin và steroid sinh dục ở mức thấp trong hai đến ba tuần đầu sau sinh. Trong các nghiên cho thấy thời gian có kinh trở lại trung bình sau khi sinh dao động từ 45 đến 64 ngày và thời gian rụng trứng trung bình dao động từ 45 đến 94 ngày nhưng xảy ra sớm nhất là 25 ngày sau sinh. 70% phụ nữ sẽ có kinh nguyệt vào tuần thứ 12 sau sinh, và 20-71% số lần hành kinh đầu tiên diễn ra trước khi rụng trứng; do đó, khi có chu kỳ kinh nguyệt thì có khả năng sinh sản.
Sự căng ngực:
Sự căng ngực do việc đổ đầy sữa, ngực trở nên căng, cứng có thể có kèm theo đau. Thường đa số đau ở vùng quầng vú, một số bà mẹ thì đau ở mép ngoài của ngực. Căng ngực nguyên pháp là do phù mô kẽ và việc sản xuất sữa quá nhiều, thường xảy ra từ 24-72 giờ sau khi sinh và kéo dài khoảng một đến bảy ngày sau sinh; triệu chứng thường xảy ra nặng nhất từ 3 đến 5 ngày hậu sản. Căng ngực thứ phát thường xảy ra muộn hơn nếu nguồn sữa mẹ sản xuất vượt quá lượng sữa mà bé bú.
Tóc và da:
+ Sạm da có thể hiện diện, màu đỏ hoặc nâu.
+ Vùng da bụng trở nên lỏng lẻo nếu có sự dãn quá mức các sợi đàn hồi trong suốt thời kỳ mang thai.
+ Vết nám da thường sẽ tự hết, nhưng thời gian thì không được xác định rõ.
+ Tóc thường rụng sau sinh trong 5 tháng đầu hậu sản và thường sẽ phục hồi lại sau khoảng 6-15 tháng.
Mất cân sinh lý:
Trung bình mất khoảng 6kg sau sinh từ việc sinh em bé, sổ nhau và mất nước ối. Việc co tử cung và mất sản dịch dẫn đến mất thêm 2-7kg sau sinh. Khoảng một nửa cân nặng đạt được lúc mang thai bị mất trong 6 tuần đầu sau sinh và mất chậm dần trong 6 tháng tiếp theo.
Hệ tim mạch:
Những thay đổi sinh lý trong hệ tim mạch thì đặc biệt quan trọng đối với bà mẹ có bệnh lý tim mạch trước đó. Trong 10 phút đầu sau sinh trẻ đủ tháng qua ngã âm đạo, cung lượng tim và thể tích nhát bóp tăng lần lượt khoảng 60% và 70%. Khoảng một giờ sau sinh thì cung lượng tim và thể tích nháp bóp tăng lần lượt là 50% và 70% trong khi đó nhịp tim thì giảm 15%, huyết áp thì không thay đổi. Việc tăng cung lượng tim và thể tích nhát bóp do tăng tiền tải từ truyền máu tử cung-nhau vào nội mạch và do giảm áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Pamela Berens, MD, Overview of the postpartum period: Normal physiology and routine maternal care, Uptodate (2021).
XEM THÊM
CHĂM SÓC THƯỜNG QUY TRONG THỜI KỲ HẬU SẢN(Mở trong cửa số mới)
Tiết dịch âm đạo ở phụ nữ trưởng thành(Mở trong cửa số mới)
Một số bài viết khác:
SỰ GIA TĂNG NGUY CƠ MỔ LẤY THAI Ở BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG DO CƠN GÒ TỬ CUNG KÉM
CỬ ĐỘNG THAI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
BỆNH PHỤ KHOA – CÁC BỆNH LÝ VỀ ÂM HỘ
DỰ PHÒNG THIẾU MÁU TRONG THAI KỲ
Ý NGHĨA XÉT NGHIỆM MÁU KHI MANG THAI
LỢI ÍCH NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ, CHO CON BÚ ĐÚNG CÁCH