Deprecated: version_compare(): Passing null to parameter #1 ($version1) of type string is deprecated in /home/thodungx/mammi1.thodung.xyz/wp-content/themes/flatsome/inc/classes/class-flatsome-upgrade.php on line 115
NHÓM MÁU RHESUS ÂM VÀ THAI KỲ-NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý – Phòng khám sản phụ khoa Mammi – Gò Vấp

NHÓM MÁU RHESUS ÂM VÀ THAI KỲ-NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

Bệnh Rhesus là tình trạng các kháng thể trong máu của phụ nữ mang thai phá hủy các tế bào máu của thai nhi do bất đồng nhóm máu hệ Rhesus giữa mẹ và thai. Nó còn được gọi là bệnh tán huyết ở thai nhi và trẻ sơ sinh (HDFN). Bệnh Rhesus không gây hại cho người mẹ, tuy nhiên nó có thể để lại nhiều hậu quả và biến chứng cho trẻ.

  • Nguyên nhân gây ra bệnh Rhesus?

Có rất nhiều nhóm máu ở người, chúng được đặt tên dựa vào kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu, trong đó 4 nhóm máu chính là A, B, AB và O. Mỗi nhóm máu này lại có thể được gọi là Rhesus dương tính (gọi ngắn gọn là RhD dương) nếu hồng cầu của họ có thêm sự hiện dện của kháng nguyên Rhesus D hoặc là RhesusD âm tính (RhD âm) nếu ngược lại. Phần lớn chúng ta có nhóm máu RhD dương.

 

Bệnh Rhesus chỉ xảy ra khi người mẹ mang nhóm máu RhD âm và đứa trẻ trong bụng mẹ có RhD dương tính. Nếu một phụ nữ có nhóm máu RhD âm tiếp xúc với máu RhD dương, thường là trong lần mang thai trước, khi thai nhi mang nhóm máu RhD dương, hệ miễn dịch của người mẹ sẽ phản ứng với máu RhD dương như những “kẻ lạ mặt” bằng cách sản xuất kháng thể, các kháng thể này nhận ra các tế bào máu lạ và tiêu diệt chúng. Do đó ở lần mang thai tiếp theo, nếu cô ấy lại mang thai một đứa trẻ có nhóm  máu RhD dương, các kháng thể được sản sinh ra từ lần mang thai trước có thể đi qua nhau thai, phá hủy các tế bào máu của bé và gây ra bệnh Rhesus cho thai nhi. Các kháng thể có thể tiếp tục tấn công các tế bào hồng cầu của em bé trong vài tháng sau khi sinh.

  • Triệu chứng

Bệnh Rhesus chỉ ảnh hưởng đến em bé và người mẹ sẽ không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào. Các triệu chứng của bệnh Rhesus phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nó. 

Dấu hiệu ở thai nhi

  • Thiếu máu: do các tế bào hồng cầu của thai nhi bị phá hủy nhanh hơn bình thường bởi các kháng thể từ người mẹ.

Nếu thai bị thiếu máu, máu của bé sẽ loãng hơn và chảy với tốc độ nhanh hơn. Điều này thường không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào, nhưng nó có thể được phát hiện bằng siêu âm Doppler.

Nếu thiếu máu nghiêm trọng, các biến chứng của bệnh Rhesus như phù thai, có thể được phát hiện trên siêu âm.

 

Dấu hiệu ở trẻ sơ sinh

Hai vấn đề chính gây ra bởi bệnh Rhesus ở trẻ sơ sinh là thiếu máu tán huyết và vàng da, tuy nhiên không phải lúc nào cũng biểu hiên triệu chứng rõ ràng khi chào đời. Các triệu chứng đôi khi có thể phát triển đến 3 tháng sau đó. Trong một số trường hợp, trẻ cũng có thể bị giảm trương lực cơ và có thể bị thiếu năng lượng.

  • Thiếu máu tán huyết: Ở trẻ sơ sinh, điều này có thể khiến da xanh xao, nhịp thở tăng, bú kém hoặc vàng da.
  • Vàng da: do sự tích tụ trong máu của một chất hóa học gọi là bilirubin. Bilirubin là một chất màu vàng được tạo ra trong cơ thể khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ. Nó thường được gan loại bỏ khỏi máu và đào thải ra ngoài cơ thể qua nước tiểu. Tuy nhiên ở trẻ sơ sinh mắc bệnh Rhesus, gan không thể xử lý lượng bilirubin cao tích tụ do các tế bào hồng cầu của trẻ bị phá hủy quá nhiều, dẫn đến da và củng mạc (vùng màu trắng của mắt) của trẻ có màu vàng. Ở những trẻ có làn da sẫm màu, vàng da sẽ rõ ràng nhất ở mắt hoặc lòng bàn tay, lòng bàn chân.
  • Phòng ngừa

Ngày nay, bệnh Rhesus không phổ biến vì bệnh này thường có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm một loại thuốc gọi là globulin miễn dịch kháng RhD (gọi ngắn gọn là Anti-D). Anti-D có tác dụng trung hòa bất kỳ kháng nguyên RhD nào xâm nhập vào máu của mẹ khi mang thai. Khi các kháng nguyên đã bị vô hiệu hóa, máu của mẹ sẽ không tạo ra kháng thể được. 

Đối với sản phụ có RhD âm, cha đứa bé cũng RhD âm, thì không cần tiêm Anti-D, vì đứa bé sẽ có nhóm máu RhD âm.

Nếu cha đứa bé có RhD dương hoặc không rõ nhóm máu thì thai phụ cần được xét nghiệm kháng thể kháng RhD. Bởi vì nếu sản phụ đã sản sinh các kháng thể kháng RhD thì việc tiêm Anti-D không giúp ích được gì. Quá trình mang thai và trẻ sau sinh sẽ được theo dõi chặt chẽ hơn bình thường.

 

Trong trường hợp sản phụ không có kháng thể kháng RhD, Anti-D có thể được tiêm trước sinh và sau sinh, mốc thời gian tiêm tùy thuộc nguy cơ tiếp xúc với kháng nguyên RhD của cơ thể người mẹ.

 

  • Anti-D trước sinh

Anti-D được tiêm thường quy trong ba tháng cuối của thai kỳ nếu nhóm máu của sản phụ là RhD âm tính, vì có khả năng một lượng nhỏ máu từ em bé sẽ truyền vào máu của người mẹ trong thời gian này. Việc này được gọi là dự phòng Anti-D thường quy trước khi sinh, được thực hiện trong khoảng tuần 28 đến 30 của thai kỳ.

Bên cạnh đó, nếu sản phụ có nguy cơ kháng nguyên RhD từ thai nhi xâm nhập vào máu bất cứ lúc nào trong thai kỳ- chẳng hạn: sản phụ bị chảy máu hoặc được thực hiện một thủ thuật xâm lấn (như chọc dò nước ối, hút nạo buồng tử cung sau sẩy thai) hoặc gặp bất kỳ chấn thương bụng, họ sẽ được tiêm Anti-D ngay sau đó.

 

  • Anti-D sau khi sinh

Ở lần mang thai đầu tiên (nếu cơ thể người mẹ không có nguy cơ tiếp xúc với kháng nguyên RhD trước đó), ngay sau khi sinh, một mẫu máu của em bé sẽ được lấy từ dây rốn. Nếu sản phụ có nhóm máu RhD âm và đứa trẻ là RhD dương, sản phụ sẽ được tiêm Anti-D trong vòng 72 giờ sau sinh. Việc tiêm thuốc sẽ giúp phá hủy bất kỳ tế bào máu RhD dương tính nào có thể đã xâm nhập vào máu của sản phụ trong quá trình sinh nở. Điều này có nghĩa là máu của người mẹ sẽ không có cơ hội tạo ra kháng thể và sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ đứa con tiếp theo mắc bệnh Rhesus.

Liều Annti-D tiêm bắp cơ Delta là 1000-1250 UI cho mỗi lần tiêm.

 

  • Điều trị bệnh Rhesus

Nếu thai nhi phát triển bệnh Rhesus, việc điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Khoảng một nửa số trường hợp bệnh Rhesus là nhẹ và thường không cần điều trị nhiều. Tuy nhiên, trẻ cần được theo dõi thường xuyên, nhằm tránh các vấn đề nghiêm trọng xảy ra.

Ở những trường hợp nặng, bệnh Rhesus nếu không được điều trị có thể dẫn đến thai chết lưu. Ngoài ra, nó có thể gây tổn thương não, khó khăn trong học tập, điếc và mù. Tuy nhiên, việc điều trị thường hiệu quả và những vấn đề này không xảy ra phổ biến. 

 

Điều trị bệnh Rhesus sau khi sinh có thể bao gồm điều trị bằng ánh sáng (chiếu đèn), truyền máu và truyền globulin miễn dịch để ngăn tế bào hồng cầu bị phá hủy.

 

Những trường hợp nặng, thường cần điều trị bằng chiếu đèn và truyền máu nhằm giúp đẩy nhanh quá trình loại bỏ bilirubin khỏi cơ thể.

 

Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, truyền máu có thể được tiến hành cả khi thai vẫn còn trong bụng mẹ và một loại thuốc gọi là immunoglobulin truyền tĩnh mạch có thể được sử dụng khi trẻ được sinh ra nếu phương pháp chiếu đèn không hiệu quả.

 

Nếu cần thiết, trẻ có thể được sinh ra sớm hơn bằng cách sử dụng thuốc để khởi phát chuyển dạ hoặc sinh mổ, do đó việc điều trị có thể bắt đầu càng sớm càng tốt. Điều này thường chỉ được thực hiện khi thai đã được hơn 34 tuần.

 

Mang thai là một quá trình đặc biệt quan trọng, luôn cần có sự quan tâm và theo dõi chặt chẽ từ sản phụ, gia đình và y tế cả trước, trong và sau thai kỳ. Việc xét nghiệm, tư vấn tiền sản và khám thai định kỳ, trong đó xét nghiệm máu trước mang thai là một trong những điều rất cần thiết nhằm phát hiện các bệnh truyền nhiễm cũng như các vấn đề huyết học, đặc biệt nếu người phụ nữ có nhóm máu RhD âm, việc này sẽ giúp họ có thêm nhiều thông tin về sức khỏe cũng như lời khuyên hữu ích để có sự chuẩn bị, chăm sóc và quản lý thai kỳ hợp lý.

 

Nguồn tham khảo:

https://www.nhs .uk/conditions/Rhesus-disease/

>>> Xem thêm: THIẾU MÁU THALASSEMIA TRONG THAI KỲ VÀ SÀNG LỌC – Phòng khám sản phụ khoa Mammi – Gò Vấp

>>> Xem thêm Phòng khám sản phụ khoa Mammi – Uy tín chất lượng – Phòng khám sản phụ khoa Mammi – Gò Vấp

Trả lời