NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIẾT NIỆU VÀ THAI KỲ

Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

          Nhiễm trùng đường tiết niệu hay nhiễm trùng tiểu là tình trạng nhiễm trùng ở các cơ quan thuộc đường tiết niệu, bao gồm thận, bàng quang, niệu quản và niệu đạo. Nhiễm trùng tiểu có thể ảnh hưởng đến bàng quang hoặc thận:

 

          +          Nhiễm trùng bàng quang phổ biến hơn nhiễm trùng thận. Chúng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và đi lên bàng quang. Nhiễm trùng bàng quang theo thuật ngữ y khoa còn gọi là “viêm bàng quang”. 

 

          +          Nhiễm trùng thận xảy ra khi vi khuẩn di chuyển lên cao hơn, đến thận. Nhiễm trùng thận theo thuật ngữ y khoa  còn gọi là “viêm thận bể thận”.

 

ảnh minh họa- nguồn internet

Vì sao phụ nữ có thai dễ bị nhiễm trùng tiểu?

          Phụ nữ mang thai có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu. Bắt đầu từ tuần thứ 6 và đạt đỉnh điểm vào tuần 22 đến 24, khoảng 90% phụ nữ mang thai bị giãn niệu quản (thận ứ nước trong thai kỳ), tình trạng này sẽ tồn tại cho đến khi sinh nở. Tăng thể tích bàng quang và giảm trương lực bàng quang, cùng với giảm trương lực niệu quản, góp phần làm tăng tình trạng ứ trệ nước tiểu và trào ngược niệu quản. Ngoài ra, sự gia tăng sinh lý về thể tích huyết tương khi mang thai làm giảm nồng độ nước tiểu. Có đến 70% phụ nữ mang thai xuất hiện đường trong nước tiểu, điều này khuyến khích sự phát triển của vi khuẩn trong nước tiểu. Sự gia tăng progestin và estrogen trong nước tiểu có thể dẫn đến giảm khả năng chống lại vi khuẩn xâm nhập của đường tiểu dưới. Khả năng giảm này có thể do giảm trương lực niệu quản hoặc có thể do một số chủng vi khuẩn phát triển có chọn lọc.

 

          Các vi khuẩn gây nhiễm trùng tiểu trong khi mang thai cũng giống như các tác nhân được tìm thấy ở bệnh nhân không mang thai. Escherichia coli chiếm 80 – 90% các trường hợp nhiễm trùng. Các vi khuẩn gram âm khác như Proteus mirabilis và Klebsiella pneumoniae cũng rất phổ biến. Các vi khuẩn Gram dương như liên cầu nhóm B và Staphylococcus saprophyticus là những nguyên nhân gây nhiễm trùng tiểu ít phổ biến hơn. Liên cầu nhóm B có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý thai nghén. Các tác nhân ít phổ biến hơn có thể gây ra nhiễm trùng tiểu bao gồm enterococci, Gardnerella vaginalis và Ureaplasma ureolyticum.

 

Nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào? | Medlatec

ảnh minh họa- nguồn internet

 

Khuẩn niệu không triệu chứng là gì?

          Đây là thuật ngữ y khoa để chỉ tình trạng có nhiều vi khuẩn trong nước tiểu của một người hơn bình thường, nhưng người đó không có các triệu chứng nhiễm trùng. Ở những người mang thai, bác sĩ kiểm tra hoặc tầm soát vấn đề này trong những lần khám thai định kỳ qua một xét nghiệm nước tiểu đơn giản và thường được thực hiện vào gần cuối tam cá nguyệt đầu tiên.

 

Các triệu chứng của nhiễm trùng tiểu là gì?

          Các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí đường tiết niệu bị ảnh hưởng.

 

          Nếu bạn bị nhiễm trùng bàng quang, các triệu chứng có thể bao gồm:

 

          +          Đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu

          +          Muốn đi tiểu thường xuyên

          +          Đi tiểu gấp hoặc vội vàng

          +          Có máu trong nước tiểu

 

          Nếu bạn bị nhiễm trùng ở thận, bạn cũng có thể có các triệu chứng trên. Nhưng nhiễm trùng thận cũng có thể gây ra:

 

          +          Sốt

          +          Đau lưng

          +          Buồn nôn hoặc nôn

 

          Nhiễm trùng ở thận khi mang thai đôi khi có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn, bao gồm nhiễm trùng huyết (khi nhiễm trùng lan rộng khắp cơ thể) và các vấn đề về hô hấp. Nếu bạn đang mang thai và có các triệu chứng của nhiễm trùng bàng quang hoặc thận, hãy thông báo với bác sĩ của bạn.

 

Nhiễm trùng tiểu trong khi mang thai được điều trị như thế nào?

          Nhiễm trùng tiểu được điều trị bằng thuốc kháng sinh cho dù bạn có mang thai hay không. Thuốc kháng sinh hoạt động bằng cách tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng.

 

          +          Nếu bạn bị nhiễm trùng bàng quang, bạn có thể phải uống thuốc kháng sinh. Hầu hết được dùng trong 3 đến 7 ngày, phụ thuộc vào loại kháng sinh được dùng. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc an toàn để dùng trong thai kỳ như nitrofurantoin, sulfisoxazole hoặc cephalexin. Ampicillin không còn được sử dụng trong điều trị vi khuẩn niệu không có triệu chứng vì tỷ lệ kháng thuốc cao. Điều quan trọng là phải uống thuốc kháng sinh đủ liều, ngay cả khi các triệu chứng của bạn bắt đầu cải thiện. Sau khi bạn uống hết đợt thuốc kháng sinh, bác sĩ có thể xét nghiệm nước tiểu của bạn để đảm bảo rằng không còn vi khuẩn.

 

          +          Nếu bạn bị viêm thận bể thận, bạn có thể sẽ phải điều trị tại bệnh viện và dùng thuốc kháng sinh truyền tĩnh mạch. Sau khi các triệu chứng của bạn đã được cải thiện, bạn có thể xuất viện về nhà và chuyển sang thuốc kháng sinh đường uống. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn tiếp tục dùng thuốc kháng sinh cho giai đoạn còn lại của thai kỳ để ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát.

 

Điều trị vi khuẩn niệu không triệu chứng trong thời kỳ mang thai như thế nào?

          Khuẩn niệu không có triệu chứng không được điều trị dẫn đến sự phát triển của viêm bàng quang có triệu chứng ở khoảng 30% bệnh nhân và có thể dẫn đến sự phát triển của viêm thận bể thận ở tới 50%. Khuẩn niệu không triệu chứng có liên quan đến tăng nguy cơ thai chậm phát triển trong tử cung và trẻ sơ sinh nhẹ cân. 

 

          Trong hầu hết các trường hợp, những người bị khuẩn niệu không triệu chứng và không mang thai thì không cần điều trị. Nhưng các bác sĩ vẫn khuyên dùng kháng sinh cho người mang thai vì nếu không điều trị, khuẩn niệu không triệu chứng có thể làm tăng nguy cơ mẵ các vấn đề với thai kỳ. Điều trị bằng thuốc kháng sinh cũng làm giảm nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng tiểu.

 

          Các lựa chọn kháng sinh điều trị khuẩn niệu không có triệu chứng cũng giống như trong điều trị viêm bàng quang.

 

Nhiễm Khuẩn Tiết Niệu Là Gì? Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị

ảnh minh họa- nguồn internet

 

Con của tôi có được khỏe mạnh không?

          Nếu bạn được điều trị, con bạn sẽ có thể khỏe mạnh.

 

          Có một số nguy cơ nhỏ mắc một số vấn đề nếu bạn có vi khuẩn trong nước tiểu khi mang thai. Chúng bao gồm chuyển dạ sinh non, tức là khi quá trình chuyển dạ bắt đầu trước tuần thứ 37 của thai kỳ, hoặc sinh con nhẹ hơn bình thường. Trẻ sinh non hoặc nhẹ cân có thể gặp các vấn đề về sức khỏe.

 

          Viêm bề thận khi mang thai cũng làm tăng những nguy cơ này. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải điều trị nếu bạn bị khuẩn niệu không có triệu chứng hoặc nhiễm trùng tiểu trong khi mang thai.

 

Nhiễm trùng tiểu trong thai kỳ có tái phát không và cách dự phòng?

          Phần lớn các trường hợp nhiễm trùng tiểu là do các vi khuẩn đường tiêu hóa gây ra. Ngay cả khi được điều trị thích hợp, bệnh nhân có thể bị tái nhiễm trùng đường tiết niệu từ trực tràng. Nhiễm trùng tiểu tái phát ở khoảng 4- 5% các trường hợp mang thai và nguy cơ phát triển viêm thận bể thận cũng giống như nguy cơ nhiễm trùng tiểu nguyên phát. Kháng sinh một liều duy nhất sau khi quan hệ tình dục hoặc liều ức chế hàng ngày với cephalexin hoặc nitrofurantoin ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng tiểu tái phát là liệu pháp dự phòng hiệu quả. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn liệu đây có phải là điều bạn nên làm hay không.

 

          Có thể cần đánh giá hệ tiết niệu sau sinh ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng tái phát vì họ có nhiều khả năng có bất thường cấu trúc của hệ thống thận. Bệnh nhân được phát hiện có sỏi tiết niệu, có nhiều hơn một đợt nhiễm trùng tiểu tái phát hoặc nhiễm trùng tiểu tái phát trong khi đang điều trị kháng sinh thì nên được đánh giá sau sinh.

 

          Uống nhiều nước cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu. Điều này đúng cho dù bạn có thai hay không.

 

Nguồn tham khảo:

Uptodate: Patient education: Urinary tract infections in pregnancy (The Basics)

https://www.uptodate.com/contents/urinary-tract-infections-in-pregnancy-the-basics?search=pregnancy%20and%20urinary%20infection%20patient%20education&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1

 

American Family Physician Foundation: Urinary Tract Infections During Pregnancy

https://www.aafp.org/afp/2000/0201/p713.html

 

 

XEM THÊM

Nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai(Mở trong cửa số mới)

VIÊM NỘI MẠC TỬ CUNG SAU SINH(Mở trong cửa số mới)

GBS (Group B streptococcus) – Liên cầu khuẩn(Mở trong cửa số mới)

Để lại một bình luận