Khi mang thai cơ thể sản phụ có nhiều thay đổi trên da, tóc và móng, một trong số đó là các ban, sẩn, mề đay có thể xảy ra, có thể do sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể hay do một số nguyên nhân khác gây ra.
Các ban da, sẩn ngứa, mề đay có thể xuất hiện bất cơ đâu trên cơ thể và hình dạng thì khác nhau tùy từng nguyên nhân. Một số trường hợp ban này là lành tính- nghĩa là chúng không gây bất kỳ đe dọa nào đối với mẹ bầu và bé. Tuy nhiên trong một số trường hợp khác, ban da có thể là triệu chứng của một tình trạng bệnh lý cần phải điều trị để đảm bảo mẹ và em bé được an toàn.
Một trong những nguyên nhân gây ban da, sẩn ngứa mề đay thường gặp là bệnh “Mề đay sẩn ngứa trong thai kỳ”.
Mề đay và sẩn ngứa trong thai kỳ (PUPPP- Pruritic Urticarial Papules and Plaques of Pregnancy) hay còn được gọi là phát ban đa dạng (PEP-Polymorphic eruption of pregnancy) là một bệnh lý da gây viêm ngứa lành tính và tự giới hạn, thường xuất hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ hoặc ngay sau sinh. Các danh từ cũ được đặt tên cho bệnh lí này là ban đỏ nhiễm độc thai kỳ hay ban độc Bourne’s thai kỳ…
Ảnh Internet
Nguyên nhân của bệnh là gì?
Nguyên nhân của bệnh này vẫn chưa được biết một cách rõ ràng, có thể nó do nhiều yếu tố gây nên.
Cứ 160 đến 300 sản phụ sẽ có 1 người bị mề đay sẩn ngứa do PEP. Con số này cao hơn ở những sản phụ mang đa thai, cụ thể cứ 7 bà mẹ mang tam thai và cứ 34 bà mẹ mang song thai sẽ có 1 người mắc tình trạng này. Điều này cho thấy mối liên quan giữa mức độ căng của da và tình trạng mề đay sẩn ngứa do PEP.
Người ta cũng thấy rằng mức độ tăng cân trong thai kỳ ở sản phụ nổi mề đay sẩn ngứa cao hơn so với những sản phụ không mắc bệnh. Ngoài ra, thai là con trai cũng dễ mắc bệnh này hơn thai nữ. Giả thiết được đặt ra rằng khi da căng gây phá hủy các cấu trúc mô liên kết dẫn đến sự tiếp xúc của kháng nguyên trên da đối với hệ miễn dịch tạo ra đáp ứng viêm.
Vai trò của các hormone sinh dục trong việc gây ra bệnh PEP vẫn chưa được chứng minh. Một giả thiết khác cho rằng PEP là do phản ứng miễn dịch đối với sự hiện diện những kháng nguyên như DNA của thai nhi trong máu của người mẹ. Tuy nhiên giả thiết này cũng chưa được chứng minh rõ ràng.
PEP có thể xảy ra bất cứ lúc nào sau tuần thứ 24 của thai kỳ, thường xảy ra vào 2 đến 3 tuần cuối thai kỳ, trung bình là từ tuần thứ 35 của thai kỳ, đôi khi có thể xảy ra vào lúc sau sinh một vài ngày.
Có 73% phụ nữ mang thai xuất hiện mề đay sẩn ngứa vào 3 tháng cuối thai kỳ và 15% trường hợp xuất hiện ngay sau sinh.
Tình trạng mề đay này sẽ tự khỏi sau 4-6 tuần, dù trước hay sau sinh, thường chỉ kéo dài tối đa đến 2 tuần sau sinh và không ghi nhận trường hợp nào tử vong hay biến chứng toàn thân cho mẹ và thai nhi.
Biểu hiện
PEP thường xuất hiện ở những phụ nữ mang thai con so hơn.
Sang thương điển hình là những nốt sẩn, mề đay xuất hiện chủ yếu ở vùng da bị rạn. Biểu hiện là những mảng hay sẩn đỏ, hơi sưng gồ lên mặt da, hình dạng không đồng nhất đôi khi có mụn nước nhỏ ở giữa. Các sẩn này thường xuất hiện ở vùng da bị rạn thường là ở bụng có thể lan xuống đùi, mông và lên cánh tay. Tuy nhiên sẩn hiếm khi biểu hiện ở mặt, lòng bàn tay hay lòng bàn chân.
Các sang thương này gây ngứa cực kỳ, tuy nhiên lại ít khi bị trầy tróc da. Sản phụ cảm thấy ngứa nhiều đến mức có thể mất ngủ.
Một số bệnh khác có thể gây biểu hiện tương tự:
- Ban dị ứng thai kỳ, bao gồm chàm da thai kỳ, ngứa thai kỳ, viêm nang lông gây ngứa
- Nhiễm virus Herpes trong thai kỳ
- Ngứa do ứ mật tại gan trong thai kỳ
- Chốc dạng herpes
- Cái ghẻ
- Viêm da tiếp xúc dị ứng
- Mề đay cấp/ mạn
- Sẩn ngứa do thuốc: một số kháng sinh, kháng nấm, các thuốc đau NSAIDs, một số thuốc lợi tiểu…
Điều trị mề đay sẩn ngứa thai kỳ:
- Trực tiếp điều trị giảm ngứa cho sản phụ. Thuốc hiệu quả nhất để điều trị là Corticosteroids bôi tại chỗ như Floucinonide, Betamethasone hay Corticosteroids toàn thân.
- Ngoài ra thuốc kháng Histamine thế hệ 1 đường uống cũng có hiệu quả giảm ngứa trung bình. Diphenhydramine là một thuốc kháng Histamine có tác dụng gây buồn ngủ giúp sản phụ ngủ ngon hơn và làm giảm ngứa, nó cũng an toàn khi có thai và cho con bú. Ngoài ra cũng có thể sử dụng một số thuốc kháng Histamine không gây buồn ngủ và vẫn an toàn như Chlorpheniramine, loratadine, cetirizine
- Một số biện pháp khác được sử dụng để điều trị là làm mát, tắm nhẹ nhàng, bôi thuốc làm mềm da, giữ ẩm da, mặc quần áo cotton nhẹ…
Ảnh Internet
Bệnh thường sẽ tự khỏi một thời gian ngắn sau sinh, hoặc sau khởi phát 4-6 tuần.
THAM KHẢO NGUỒN
- https://emedicine.medscape.com/article/1123725-overview#a4
- https://emedicine.medscape.com/article/1049474-overview#a9
- https://www.uptodate.com/contents/dermatoses-of-pregnancy?search=puppp&source=search_result&selectedTitle=1~8&usage_type=default&display_rank=1#H13
- https://www.msdmanuals.com/home/women-s-health-issues/complications-of-pregnancy/pruritic-urticarial-papules-and-plaques-of-pregnancy?query=Pruritic%20Urticarial%20Papules%20and%20Plaques%20of%20Pregnancy
- Antonette T. Dulay, MD. MSD Manual. msdmanuals.com. [Online] 2020. https://www.msdmanuals.com/home/women-s-health-issues/complications-of-pregnancy/pruritic-urticarial-papules-and-plaques-of-pregnancy?query=Pruritic%20Urticarial%20Papules%20and%20Plaques%20of%20Pregnancy
- Valinda Riggins Nwadike, MD, MPH. What Causes Rashes During Pregnancy and How to Treat Them. Healthline.com. [Online] 2019. https://www.healthline.com/health/pregnancy/what-causes-rashes-during-pregnancy-and-how-to-treat-them.
Một số bài viết khác:
SỰ GIA TĂNG NGUY CƠ MỔ LẤY THAI Ở BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG DO CƠN GÒ TỬ CUNG KÉM
CỬ ĐỘNG THAI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
BỆNH PHỤ KHOA – CÁC BỆNH LÝ VỀ ÂM HỘ
DỰ PHÒNG THIẾU MÁU TRONG THAI KỲ
Ý NGHĨA XÉT NGHIỆM MÁU KHI MANG THAI
LỢI ÍCH NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ, CHO CON BÚ ĐÚNG CÁCH