Dây rốn là gì?
Dây rốn là một cấu trúc của nhau thai bên trong chứa 2 động mạch giúp đưa máu nghèo oxy từ thai đến bánh nhau và một tĩnh mạch đưa máu giàu oxy từ bánh nhau đến thai để nuôi sống thai nhi, bao quanh bên ngoài các mạch máu này là cấu trúc giống keo gọi là thạch Wharton’s và được phủ bởi một lớp màng ối (1), (2).
Sau khi được sinh ra, phần phía trong bụng của mạch máu dây rốn sẽ dần bị thoái hóa, động mạch rốn sẽ trở thành dây chằng cạnh bàng quang và tĩnh mạch rốn sẽ trở thành dây chằng tròn của gan (3).
Về cấu trúc, dây rốn mềm, có màu trắng, đục và có cấu trúc xoắn. Chiều dài trung bình của dây rốn ở thai 20 tuần là 32cm, con số này ở thai đủ tháng là khoảng 55cm (dao động từ 35-77cm). Dây rốn ngắn (<35cm) thường liên quan đến phát triển bất thường của nhau hoặc vỡ nhau. Dây rốn quá dài làm tăng nguy cơ thắt nút, dây rốn quấn cổ, sa dây rốn, suy thai cấp… (2), (1).
Bình thường dây rốn xoắn về bên trái khoảng 2 vòng tương đương 2-10cm hay chỉ số xoắn là 0,2 (phần xoắn trên toàn bộ chiều dài dây rốn) (2).
Đường kính bình thường của dây rốn khoảng 1,5-3,6 cm. Dây rốn quá dầy hoặc quá mỏng cũng làm tăng nguy cơ bệnh lí ở thai (1).
Dây rốn thường cắm vào bánh nhau ở chính giữa hoặc gần chính giữa, khoảng 10% trường hợp dây rốn cắm lệch ở rìa bánh nhau hoặc màng nhau (gọi là dây rốn bám màng) (1)
Ảnh minh họa – nguồn internet
Một số bất thường của dây rốn:
+ Màu sắc:
– nếu dây rốn có màu vàng gợi ý nhiễm trùng
– nếu màu vàng xanh có thể do phân su hoặc viêm mạch máu dây rốn
– màu nâu/ đỏ có khả năng là do suy thai kéo dài hơn 6 giờ dẫn đến tán huyết và tích tụ một sắc tố sinh ra từ hemoglobin là hematoidin. Thai suy kéo dài càng lâu hơn trong tử cung sẽ tạo thành màu xám đất sét (2).
+ Dây rốn phù nề:
– Mức độ nhẹ thường xảy ra không liên quan bệnh lí đặc biệt nào.
– Tuy nhiên phù nặng một đoạn hay toàn bộ dây rốn với đường kính lớn hơn 3cm có thể gây các biến chứng cấp tính lên mạch máu và thay đổi tim thai. Nguyên nhân thường gặp là do u mạch máu (2).
+ Teo dây rốn: có thể là hậu quả của việc dây rốn bị xoắn hoặc hội chứng dải sợi ối (hiện tượng các dải sợi trên màng túi ối tách ra có thể vướng vào ngón tay, ngón chân hay quấn chặt vào dây rốn). Teo dây rốn là một trong những nguyên nhân gây thai lưu, do đó phải lấy mẫu dây rốn ở cả hai phía của chỗ teo để xét nghiệm (2).
+ Xoắn dây rốn: Dây rốn không xoắn hoặc xoắn quá mức đều có thể dẫn đến đến kết cục xấu cho thai nhi (2).
+ Nếu dây rốn chỉ có một động mạch có thể dẫn đến bất thường các cơ quan cho thai nhi bào gồm tim, ống tiêu hóa và hệ thần kinh trung ương (2)
Dây rốn quấn cổ là gì?
Dây rốn quấn cổ là tình trạng dây rốn quấn 360 độ quanh cổ thai nhi. Tình trạng này có thể tồn tại đến lúc sinh hoặc tự tháo gỡ một cách ngẫu nhiên.
Ảnh minh họa – nguồn internet
Dây rốn quấn cổ được phân loại như sau:
+ Dựa trên số lượng vòng dây rốn quấn qua cổ: một vòng hoặc nhiều vòng. Tình trạng dây rốn quấn nhiều vòng sẽ hiếm khi tự tháo gỡ hơn dây rốn quấn một vòng.
+ Dựa vào mức độ chèn ép cổ thai nhi: lỏng hoặc chặt.
+ Dựa vào hình dạng quấn:
– Loại A: vòng dây rốn có 2 đầu, đầu nhau thai vắt qua đầu dây rốn, quấn quanh cổ theo kiểu không khóa. Loại này có khả năng tự tháo gỡ theo cử động của thai nhi
– Loại B: đầu nhau thai bắt chéo bên dưới đầu dây rốn, quấn theo kiểu khóa. Loại này không thể tự tháo ra được và có nguy cơ trở thành dây rốn thắt nút thật khi nó đi xuống dưới thai nhi (4).
Tỉ lệ dây rốn quấn cổ tăng lên khi thai càng lớn, con số này dao động từ 19-24% ở trẻ mới sinh. Ngoài quấn ở cổ, dây rốn còn có thể quấn ở các bộ phận khác của thai như tứ chi, thân… tuy nhiên ít gặp hơn dây rốn quấn cổ. Tỉ lệ dây rốn quấn cổ một vòng cao hơn tỉ lệ dây rốn quấn cổ nhiều vòng khoảng 4-5 lần. Tuổi mẹ, dân tộc và số lần sinh con không làm tăng tỉ lệ dây rốn quấn cổ (4).
Lý do xảy ra dây rốn quấn cổ
Đây là tình trạng xảy ra ngẫu nhiên, có thể tồn tại ở bất kỳ tuổi thai nào, tuy nhiên phổ biến hơn ở thai đủ tháng. Tình trạng này cũng nhiều hơn ở thai nhi cử động quá mức hoặc dây rốn quá dài, dây rốn dài ≥70 cm dễ làm dây rốn quấn cổ xảy ra hơn. Có một trường hợp thai nhi có dây rốn dài 150cm và quấn 10 vòng quanh cổ (4).
Ảnh minh họa – nguồn internet
Dây rốn quấn 1 vòng quanh cổ thai nhi khá phổ biến lúc sinh, tình trạng này hầu hết không gây ra bất kì kết cục xấu nào cho thai hoặc em bé. Có rất ít các trường hợp báo cáo tình trạng này liên quan đến suy thai, thai lưu và biến chứng thần kinh lâu dài cho thai, tuy nhiên không thể chứng minh được nguyên nhân trực tiếp do dây rốn quấn cổ 1 vòng ở những ca này (4).
Chẩn đoán dây rốn quấn cổ
Chẩn đoán trước sinh dựa vào siêu âm (3), (4).
Dây rốn có thể quan sát thấy kể từ tuần thứ 8 của thai kỳ. Khi khám thai ở tam cá nguyệt thứ 2 và tam cá nguyệt thứ 3, sản phụ sẽ được siêu âm thường quy để xác định dây rốn thai có đủ 2 động mạch và 1 tĩnh mạch hay không, đánh giá vị trí dây rốn cắm vào bánh nhau. Ngoài ra, siêu âm còn có thể đánh giá kiểu xoắn của dây rốn, lượng thạch Wharton’s. Siêu âm Doppler màu và siêu âm 3D dễ chẩn đoán dây rốn quấn cổ hơn, ngoài ra siêu âm Doppler cũng giúp bác sĩ xác định được phần động mạch rốn bên trong bụng thai nhi để tầm soát tình trạng thai chỉ có một động mạch rốn (3).
Siêu âm khó phân biệt được dây rốn quấn chặt và dây rốn quấn lỏng một cách chắc chắn và mức độ quấn chặt có thể thay đổi trong quá trình chuyển dạ sinh ngã âm đạo, nghĩa là dây rốn có thể quấn chặt hơn hoặc lỏng hơn lúc đầu (4).
Chẩn đoán này đươc xác nhận lại lúc sinh em bé.
Tầm soát dây rốn quấn cổ trước sinh
Tầm soát dây rốn quấn cổ không được khuyến cáo với lý do:
+ Lợi ích của việc tầm soát dây rốn quấn cổ trước sinh giúp giảm biến chứng thai kỳ chưa được chứng minh.
+ Việc tầm soát có thể gây ra tác hại tiềm ẩn là gây lo lắng cho bà mẹ, tăng các cuộc hẹn tái khám không cần thiết và một số can thiệp lên thai nhi khi chưa có bằng chứng sẽ gây bất lợi cho thai nhi (4).
Hậu quả của dây rốn quấn cổ
+ Thai lưu hoặc tử vong sơ sinh: dây rốn quấn cổ khi tạo thành nút thắt sẽ chèn ép lên tĩnh mạch rốn làm giảm máu đi qua dây rốn đến thai hoặc chèn ép động mạch cảnh (ở cổ thai nhi) giảm máu đi lên nuôi não thai nhi dẫn đến thai lưu. Dây rốn quấn nhiều vòng không có nguy cơ thai chết lưu tương đương dây rốn quấn môt vòng (4).
Ảnh minh họa – nguồn internet
+ Thai kém tăng trưởng trong tử cung và một số vấn đề ngắn hạn ở trẻ sơ sinh (ví dụ: trẻ sinh rất nhẹ cân, nhập khoa hồi sức sơ sinh, truyền máu, sử dụng thuốc vận mạch, tử vong, …) hay ảnh hưởng lâu dài lên em bé (ví dụ: chậm phát triển thần kinh, bại não, liệt, …) chưa được chứng minh rõ ràng (4).
Tình trạng dây rốn quấn cổ có thể làm sai lệch các kết quả kiểm tra thai
+ Siêu âm đo độ mờ da gáy (NT) tầm soát hội chứng Down trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể không chính xác nếu dây rốn quấn chặt hay không được phát hiện. Số trường hợp bị sai lệch này có thể lên đến 52%. Nên đo lại NT sau khi dây rốn đã tự gỡ, thường xảy ra một thời gian ngắn sau đó (trung bình là 2,21 giờ) (4).
+ Nhịp tim thai trong khi sinh: dây rốn quấn cổ làm tình trạng nhịp tim thai bất thường lúc sinh xảy ra nhiều hơn so với thai nhi không có dây rốn quấn cổ, đặc biệt ở những trường hợp dây rốn quấn nhiều vòng (4).
+ Các xét nghiệm khác không bị ảnh hưởng bởi dây rốn quấn cổ như: non-stress test, sinh trắc đồ vật lý, các chỉ số Doppler… (4)
Việc xử trí dây rốn quấn cổ trong lúc sinh
+ Nếu sờ thấy dây rốn quấn lỏng lẻo quanh cổ sau khi sổ đầu em bé, trượt dây rốn qua đầu để cởi có thể thực hiện dễ dàng (4).
+ Lựa chọn khác cho dây rốn khó gỡ nhưng không quấn chặt là vòng dây rốn qua vai và đưa thân mình em bé qua vòng dây rốn mà không cần tuột dây rốn (5).
+ Điều quan trọng là đảm bảo dây rốn không bị đứt trong lúc sinh (4). Nếu dây rốn quấn cổ một vòng không thể cởi, dây rốn sẽ được kẹp lại ở 2 vị trí và cắt, tuy nhiên việc cắt dây rốn sớm sẽ làm giảm lượng máu đến em bé và có thể làm tăng tình tạng thiếu máu ở trẻ sơ sinh (4), (5).
Sản phụ cần làm gì
Không nên quá lo lắng với tình trạng dây rốn quấn cổ, và không cần làm gì thêm đối với tình trạng này.
Tuy nhiên các chuyên gia khuyên rằng, nếu dây rốn quấn cổ >3 vòng nên tăng cường giám sát thai bằng siêu âm Doppler và xét nghiệm non-stress cũng như lên kế hoạch sinh khi thai đủ tháng (4).
Đối với thai nhi ngôi mông và có dây rốn quấn cổ thì không nên thực hiện ngoại xoay thai, cũng không nên cố gắng sinh ngôi mông vì tăng nguy cơ biến chứng cho thai, thay vào đó sản phụ nên siêu âm theo dõi đợi dây rốn tự tháo gỡ thì có thể tiến hành ngoại xoay thai hoặc sinh mổ (4).
Tài liệu tham khảo
- Palazzi, Debra L. Care of the umbilicus and management of umbilical disorders. Uptodate. [Online] Dec 17, 2020. https://www.uptodate.com/contents/care-of-the-umbilicus-and-management-of-umbilical-disorders?source=bookmarks_mobile.
- Drucilla J Roberts, MD. Gross examination of the placenta. Uptodate.com. [Online] Jan 15, 2021. https://www.uptodate.com/contents/gross-examination-of-the-placenta?source=bookmarks_mobile#H4.
- Waldo Sepulveda, MD. Umbilical cord abnormalities: Prenatal diagnosis and management. Uptodate.com. [Online] Oct 01, 2020. https://www.uptodate.com/contents/umbilical-cord-abnormalities-prenatal-diagnosis-and-management?topicRef=14181&source=see_link.
- Leonhard Schaffer, MDRoland Zimmermann, MD. Nuchal cord. Uptodate.com. [Online] Oct 29, 2020. https://www.uptodate.com/contents/nuchal-cord?source=bookmarks_mobile#H6184831.
- Edmund F Funai, MD. Management of normal labor and delivery. Uptodate.com. [Online] Apr 09, 2021. https://www.uptodate.com/contents/management-of-normal-labor-and-delivery?source=bookmarks_mobile.
XÊM THÊM
Phù chân trong thai kỳ – những điều cần lưu ý(Mở trong cửa số mới)
TẮC MẠCH ỐI LÀ GÌ?(Mở trong cửa số mới)
Đa ối & những điều mẹ nên quan tâm(Mở trong cửa số mới)
Một số bài viết khác:
SỰ GIA TĂNG NGUY CƠ MỔ LẤY THAI Ở BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG DO CƠN GÒ TỬ CUNG KÉM
CỬ ĐỘNG THAI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
BỆNH PHỤ KHOA – CÁC BỆNH LÝ VỀ ÂM HỘ
DỰ PHÒNG THIẾU MÁU TRONG THAI KỲ
Ý NGHĨA XÉT NGHIỆM MÁU KHI MANG THAI
LỢI ÍCH NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ, CHO CON BÚ ĐÚNG CÁCH