GIỚI THIỆU:
Phương pháp chọc là một kỹ thuật chẩn đoán bằng cách rút một lượng nước ối từ khoang tử cung bằng kim hút đi qua ngã bụng. Phương pháp này đánh giá sức khỏe thai vì nước ối chứa lượng lớn thành phần của thai như nước tiểu, tế bào da bị tróc, dịch tiết.
CHỈ ĐỊNH:
Chỉ định phổ biến nhất cho chọc ối là nghiên cứu di truyền trước khi sinh. Các chỉ định khác bao gồm, đánh giá tình trạng nhiễm trùng thai nhi, mức độ thiếu máu tán huyết, bệnh huyết sắc tố và dị tật ống thần kinh. Đánh giá sự trưởng thành phổi của thai nhi, từng là chỉ định chọc ối phổ biến, hiện nay hiếm khi được thực hiện. Ngoài ra, chọc ối cũng được thực hiện như một phương pháp điều trị trong trường hợp đa ối.
NHỮNG ĐIỀU CẦN TƯ VẤN TRƯỚC KHI CHỌC ỐI
Chọc ối, giống như các thủ thuật có tiềm ẩn biến chứng khác, nên được tư vấn thích đáng trước khi quyết định thực hiện:
+ Mục đích của thực hiện
+ Các biến chứng có thể xảy ra.
+ Thời gian để có kết quả
+ Độ chính xác và các hạn chế của phương pháp, bao gồm cả khả năng không thể chẩn đoán chính xác được.
+ Các phương pháp thay thế có thể dùng.
Hình minh họa – nguồn internet
KỸ THUẬT:
♦ Chẩn đoán tiền sản:
+ Thời gian:
Chọc ối để nghiên cứu di truyền trước sinh về mặt kỹ thuật có thể thực hiện ở bất kỳ tuổi thai nào sau khoảng 11 tuần tuổi thai nhưng được thực hiện tối ưu khi tuổi thai 15 + 0 đến 17 + 6 tuần. Các thủ thuật được thực hiện trước 15 tuần (tức là chọc ối sớm) có liên quan đến tỷ lệ sẩy thai và biến chứng cao hơn do đó không nên thực hiện. Trong một số trường hợp, chọc ối có thể thực hiện trong giai đoạn cuối ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối cho nghiên cứu di truyên như trường hợp thai bất thường được phát hiện trễ, vì những thông tin này có thể có ích cho việc tư vấn cho cha mẹ, cũng như lên kế hoạch chọn thời gian, phương pháp tối ưu cho sanh.
+ Xét nghiệm di truyền:
Việc lựa chọn xét nghiệm di truyền để thực hiện trên các tế bào thu được qua phương pháp chọc ối phụ thuộc một phần vào chỉ định xét nghiệm. Phân tích nhiễm sắc thể mất từ 7 đến 14 ngày để có kết quả. Phương pháp FISH cung cấp một loại nhiễm sắc thể giới hạn trong vòng 24 đến 48 giờ; nhiễm sắc thể 13, 18, 21, X và Y là những nhiễm sắc thể được khảo sát thường xuyên nhất để đánh giá bất thường.
♦ Kháng sinh dự phòng: Việc dùng kháng sinh dự phòng để giảm những biến chứng xảy ra do chọc ối không được nghiên cứu rộng rãi.
♦ Chọn lựa vị trí chọc ối:
+ Siêu âm là phương pháp được thực hiện ban đầu để xác định thai sống, vị trí thai, vị trí bánh nhau và tình trạng ối. Sự xuất hiện và vị trí phân tách giữa nhau vá ối có thể thấy muộn khi thai được 16 đến 17 tuần tuổi. Sau đó chọn vị trí chọc ối tối ưu để tránh bánh nhau.
+ Nếu bắt buộc phải đâm kim qua nhau thai thì có thể chọn phương pháp đâm kim xuyên qua bánh nhau hoặ chờ thêm 1 tuần nữa để lượng dịch ối nhiều hơn vào tạo ra vị trí đâm kim tránh chạm vào bánh nhau. Nếu lựa chọn phương pháp đâm kim qua bánh nhau thì phải chọn vị trí bánh nhau mỏng nhất.
Hình minh họa – nguồn internet
♦ Chăm sóc sau chọc ối:
+ Nên đánh giá nhịp tim thai sau thủ thuật. Co thắt tử cung, chảy mảu nhỏ giọt thoáng qua, chảy vài giọt nước ối có thể xảy ra ngay lập tức sau thủ thuật. Bệnh nhân nên đi khám nếu tình trạng chảy nướ ôi hoặc chảy máu dai dẳng, co thắt tử cung dữ dội kéo dài trong vài giờ, hoặc sốt. Hạn chế hoạt động thể chất hoặc tình dục sau thủ thuật là không cần thiết.
+ Đối với thai phụ có Rh(-) có thể dùng anti-D sau thủ thuật để ngăn ngừa đáp ứng miễn dịch, theo ACOG khuyến cáo dùng một liều 300mcg.
MÀU SẮC MẪU BỆNH PHẨM:
♦ Máu:
Tỉ lệ máu trong dịch ối được hút ra sau chọc ối khoảng <1% khi thủ thuật được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm. Việc tăng nguy cơ sẩy thai sau khi chọc ối lẫn máu còn nhiều bàn cãi, do có sự khác nhau giữa các nghiên cứu.
♦ Dịch xanh hoặc nâu:
+ Sự hiện diện dịch xanh hoặc nâu trong dịch ối trong 3 tháng giữa thì gặp trong khoảng 2%. Loại thay đổi máu sắc này trong dịch ối thường do xuất huyết trong buồng ối trước khi chọc ối, vì thai không đi phân su trong nửa đầu thai kỳ.
+ Dịch ối xanh và nâu có liên quan đến tăng tỉ lệ sẩy thai và thai lưu hơn khi nước ối trong.
+ Thay đổi màu nước ối tăng nguy cơ liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể, và nhiễm trùng dịch ối (đặc biệt là các loài Mycoplasma) hơn là dịch ối trong. Việc dùng kháng sinh đã được báo cáo là hữu ích trong một số trường hợp, nhưng dữ liệu không đủ để cho phép khuyến cáo nuôi cấy dịch ối bị đổi màu và điều trị thường quy.
BIẾN CHỨNG:
Những biến chứng chính của chọc ối bao gồm: Vỡ ối, tổn thương thai nhi trực tiếp hoặc gián tiếp, nhiễm trùng và sẩy thai. Biến chứng của mẹ do thủ thuật bao gồm nhiễm trùng ối (hiếm) xảy ra với tỉ lệ 1/1000.
♦ Dò dịch ối sau thủ thuật:
Tình trạng chảy dịch ối tạm thời tỉ lệ xảy ra cao hơn ở những thai kỳ được chọc ối so với những thai phụ không được chọc ối (1,7% với 0,4%). Thể tích dịch ối mất thường rất ít và thường tự ngưng trong vòng một tuần và lượng ối được trở lại bình thường trung bình ba tuần (khoảng từ một đến bảy tuần). Việc ngừng chảy nước ối có thể không phải do quá trình tự tái tạo màng ối mà là do những thay đổi trong màng rụng ngăn chặn sự rò ối xảy ra.
♦ Tổn thương thai nhi trực tiếp:
Tổn thương thai nhi trực tiếp do quá trình đâm kim thì hiếm xảy ra trong quá trình chọc ối dưới hướng dẫn của siêu âm.
♦ Tổn thương thai nhi gián tiếp:
+ Một số nghiên cứu cho thấy tăng tỉ lệ dị tật thai nhi và bệnh lý về hô hấp ở những trẻ được sinh ra ở nhóm có chọc ối trước đó so với nhóm không chọc ối.
Hình minh họa – nguồn internet
+ Cơ chế xảy ra được cho là chèn ép thai nhi do hậu quả của việc giảm nước ối. Sự ủng hộ cho giả thuyết này xuất phát từ những quan sát cho thấy dị tật tư thế phổ biến hơn sau chọc ối sớm, khi lượng nước ối ít hơn so với thai kỳ muộn hơn, và cùng với tình trạng rỉ ối kéo dài sau chọc ối.
♦ Lây truyền dọc:
Nhiều báo cáo cho thấy tình trạng lây truyền dọc mẹ-con xảy ra ở các bệnh truyền nhiễm như viêm gan, CMV, toxoplasma và HIV có liên quan đến chọc ối. Bằng chứng gián tiếp cũng cho thấy rằng tỉ lệ con bị nhiễm trùng sơ sinh cao hơn ở những thai phụ có bệnh lý nhiễm mạn trước đó có chọc ối so với nhóm chứng không chọc ối.
♦ Sẩy thai:
+ Tỉ lệ sẩy thai liên quan đến chọc ối rất thấp chỉ khoảng 0,1-0,3% theo ACOG khi được thực hiện dưới kỹ thuật viên có kinh nghiệm. Hầu hết sẩy thai xảy ra ở 4 tuần sau chọc ối và nguyên nhân thật sự thì chưa rõ.
+ Nhiều yếu tố liên quan đến biến chứng sẩy thai do chọc ối bao gồm:
– Kinh nghiệm kỹ thuật viên có thể không liên quan có ý nghĩa đến biến chứng sẩy thai nhưng có ảnh hưởng đến chất lượng mẫu.
– Một nghiên cứu cho thấy tỉ lê sẩy thai tăng khi tăng số lần chọc ối khoảng 0,3% cho chọc ối 1 lần và 5,2% cho chọc ối >1 lần.
– Xuất huyết âm đạo trong thai kỳ hoặc tiền sử sẩy thai cũng tăng nguy cơ sẩy thai sau chọc ối.
– Nguy cơ sẩy thai cũng tăng trong đa thai so với đơn thai
– Bản thân một số chỉ định chọc ối là yếu tố nguy cơ cho sẩy thai sau chọc ối ví dụ chọc ối sau phát hiện bất thường thai nhi làm tăng nguy cơ sẩy thai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Alessandro Ghidini, MD, Diagnostic amniocentesis, Uptodate (2021)
xem thêm
Đa ối có ảnh hưởng gì đến thai kỳ(Mở trong cửa số mới)
Đa ối & những điều mẹ nên quan tâm(Mở trong cửa số mới)
Một số bài viết khác:
SỰ GIA TĂNG NGUY CƠ MỔ LẤY THAI Ở BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG DO CƠN GÒ TỬ CUNG KÉM
CỬ ĐỘNG THAI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
BỆNH PHỤ KHOA – CÁC BỆNH LÝ VỀ ÂM HỘ
DỰ PHÒNG THIẾU MÁU TRONG THAI KỲ
Ý NGHĨA XÉT NGHIỆM MÁU KHI MANG THAI
LỢI ÍCH NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ, CHO CON BÚ ĐÚNG CÁCH