Sẩy thai, thai chết lưu, dị dạng thai, rối loạn tăng trưởng hoặc phát triển thai, gây đột biến và gây ung thư được cho là những tác động của bức xạ ion hóa lên thai kỳ, do đó việc sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình có liên quan đến bức xạ luôn là điều bác sĩ và bệnh nhân cân nhắc cẩn thận trong quá trình theo dõi, chẩn đoán và điều trị ở phụ nữ có thai.
-
TỔNG QUAN
Việc buồng trứng phơi nhiễm trước với bức xạ ion hóa ở mức chẩn đoán không có tác dụng đo lường nguy cơ đối với những lần mang thai trong tương lai của người phụ nữ. Do đó, nếu có thể, thời điểm lý tưởng để thực hiện các thủ thuật có sử dụng bức xạ ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là trong 10 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt. Trước khi thực hiện, họ cần được xác nhận rằng hiện họ có khả năng đang mang thai hay không. Nếu còn nghi ngờ thì nên lấy kết quả thử thai trước khi tiến hành.
Đôi khi, chẩn đoán hình ảnh (CĐHA) là cần thiết trong thai kỳ và tỷ lệ sử dụng CĐHA dường như đang tăng lên. Siêu âm kiểm tra tử cung và các thành phần trong tử cung thường được thực hiện ở phụ nữ mang thai, tuy nhiên các phương pháp pháp CĐHA có bức xạ khác cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán và điều trị một số bệnh. Mặc dù sự an toàn của việc tiếp xúc với bức xạ trong thời kỳ mang thai là mối quan tâm chung, nhưng việc chẩn đoán bệnh bị bỏ sót hoặc chậm trễ điều trị có thể gây ra nguy cơ lớn hơn cho người phụ nữ và thai kỳ của họ so với bất kỳ mối nguy hiểm nào liên quan đến bức xạ.
Liều bức xạ được hấp thụ là lượng năng lượng tích tụ trên một kg mô và được đo bằng “rads”. Một rad là năng lượng truyền 100 ergs/g của bất kỳ vật liệu hấp thụ nào. Các mối quan hệ sau đây áp dụng cho tia X chẩn đoán trong mô mềm:
¤ 1 rad = 0,01 gray (Gy) = 0,01 sievert (Sv) = 1 rem (roentgen-equivalent man)
Ở Hoa Kỳ, một người bình thường tiếp xúc với liều bức xạ hiệu quả tương đương với khoảng 3,1 mSv (310 mrem) toàn thân mỗi năm từ các nguồn tự nhiên. Ủy ban Năng lượng nguyên tử Hoa Kỳ khuyến cáo rằng mức độ phơi nhiễm bức xạ nghề nghiệp của phụ nữ mang thai không vượt quá 5 mSv (500 mrem) đối với 1 phôi thai/thai nhi trong toàn bộ thai kỳ.
Ảnh Internet
-
CÁC PHƯƠNG TIỆN CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH VÀ THAI KỲ
Chụp X-quang chẩn đoán vùng đầu, cổ, ngực và các chi hầu như không tạo ra phân tán bức xạ cho phôi; bất kỳ bức xạ nào nhận được sẽ không làm tăng nguy cơ đo lường được. Tuy nhiên, bệnh nhân nên mặc áo chì để giảm thiểu sự phơi nhiễm của bào thai do bức xạ phân tán khi được chụp phim các vùng khác vùng bụng chậu. Kết hợp chụp phim / màn hình nhanh hoặc chụp X quang kỹ thuật số cũng có thể được sử dụng để giảm tổng mức phơi nhiễm bức xạ.
a. Phim X quang thường – Một số kỹ thuật có thể được sử dụng để giảm thiểu sự phơi nhiễm bức xạ của thai nhi trong quá trình chụp X quang bụng chậu:
-
Chụp sau-trước (PA) làm giảm phơi nhiễm bức xạ từ 0,02 đến 0,04 mGy (2 đến 4 mrad) so với chụp trước-sau (AP) như truyền thống vì tử cung nằm ở vùng chậu trước
-
Có thể sử dụng cửa chớp (Shutter) để chuẩn trực chùm bức xạ và giảm phân tán.
-
Tránh cả việc khuếch đại tia X gần tử cung và việc dùng lưới lọc tia X để giảm liều bức xạ.
Ảnh Internet
b. Chụp huỳnh quang và chụp mạch
Trong các quy trình chụp mạch và chụp huỳnh quang, việc điều chỉnh thời gian tiếp xúc bức xạ, số lượng phim thu được, kích thước chùm tia và vùng hình ảnh có thể làm giảm lượng bức xạ tiếp xúc.
c. Chụp bể thận qua đường tĩnh mạch (intravenous pyelography- IVP)
Siêu âm thận và vùng chậu được khuyến cáo là phương pháp CĐHA ban đầu khi nghi ngờ có sỏi tắc nghẽn. Siêu âm rất hữu ích để phát hiện các dấu hiệu tắc nghẽn thứ cấp, chẳng hạn như thận hoặc niệu quản ứ nước, đồng thời tránh tiếp xúc với bức xạ ion hóa. Siêu âm qua ngã âm đạo nhạy hơn siêu âm qua ổ bụng để phát hiện sỏi đoạn niệu quản xa.
Nếu sau khi kiểm tra siêu âm, chụp bể thận qua đường tĩnh mạch (IVP) vẫn được coi là cần thiết, thì liều bức xạ có thể được giảm thiểu bằng cách chụp 1 phim X quang bụng khoảng năm phút sau khi tiêm tĩnh mạch chất cản quang. Điều này sẽ cung cấp thông tin về chức năng bài tiết tương đối của mỗi thận và sẽ cho thấy vị trí và mức độ tắc nghẽn của niệu quản. Mộĩ lần chụp 1 phim IVP sẽ phân bố đến thai nhi khoảng 0,5 mGy (50 mrad), một giá trị tương đương với hướng dẫn với mức phơi nhiễm bức xạ tối đa được khuyến nghị cho phụ nữ mang thai trong khoảng thời gian một tháng.
d. Chụp cắt lớp điện toán (CT scan)
Liều bức xạ đối với thai nhi từ việc chụp CT bị ảnh hưởng bởi một số biến số, bao gồm số lượng, vị trí và độ dày của các lát cắt. Khi CT scan được thực hiện trong thai kỳ, sử dụng chuẩn trực hẹp và khoảng cách rộng (tức là bệnh nhân di chuyển qua máy quét với tốc độ nhanh hơn) dẫn đến chất lượng hình ảnh giảm một chút, nhưng giảm đáng kể phơi nhiễm bức xạ. Các giao thức quét (scanning protocol) cũng nên được sửa đổi. Ví dụ: nếu thực hiện chụp CT có cản quang, số lượng phim có thể được giảm bớt bằng cách không chụp chuỗi phim trước tiêm cản quang.
Phơi nhiễm bức xạ của thai nhi trong quá trình chụp CT các vùng không phải bụng chậu là rất ít. Ví dụ, phơi nhiễm bức xạ từ CT đầu của người mẹ là khoảng 2 mGy (200 mrad) đối với mẹ và nhỏ hơn 0,10 mGY (10 mrad) đối với thai nhi nếu vùng bụng được che chắn bởi áo chì.
e. Chụp X-quang nha khoa
Liều bức xạ cho thai nhi từ việc chụp X quang nha khoa của người mẹ là rất thấp, khoảng 0,0001 mGy (0,01 mrads) cho một lần chụp và không được coi là có hại. Mặc dù một nghiên cứu bệnh chứng dựa trên dân số đã tìm thấy mối liên quan giữa chụp X quang nha khoa trước sinh là > 0,4 mGy (40 mrads) với tuyến giáp của người mẹ và cân nặng khi sinh thấp (dưới 2500 g), mối liên quan này không phù hợp với kết quả từ nhiều nghiên cứu khác và không hợp lý về mặt sinh học. Cần điều tra thêm trước khi có bất kỳ thay đổi nào về các khuyến nghị về chụp x quang nha khoa ở phụ nữ mang thai.
f. Chất cản quang có i-ốt
Chất cản quang có i-ốt đi qua nhau thai và có thể tạo ra những tác động thoáng qua trên tuyến giáp đang phát triển của thai nhi, mặc dù di chứng lâm sàng do phơi nhiễm ngắn chưa được báo cáo. Các chất cản quang có i-ốt có thể được sử dụng trong thai kỳ, khi có chỉ định.
g. Y học hạt nhân
Các nghiên cứu y học hạt nhân (ví dụ, thông khí-tưới máu phổi, chụp tuyến giáp, xương và thận) sử dụng đồng vị phóng xạ liên kết với một tác nhân hóa học. Ảnh hưởng của những chất này đối với thai nhi phụ thuộc vào tính thấm của nhau thai, sự phân bố qua thai nhi, ái lực của mô và thời gian bán hủy, liều lượng và loại bức xạ được phát ra. Các chất có thể khu trú trong các cơ quan và mô cụ thể của thai nhi, và do đó có thể được quan tâm, bao gồm iốt-131 hoặc iốt-123 trong tuyến giáp, sắt-59 trong gan, gali-67 trong lá lách, stronti-90 và yttrium -90 trong khung xương. Sự phơi nhiễm của thai nhi cũng là kết quả của việc ở gần với các hạt nhân phóng xạ được bài tiết vào bàng quang của người mẹ; viejc mẹ uống nhiều và đi tiểu thường xuyên có thể làm giảm hiện tượng tiếp xúc này.
Phụ nữ mang thai có thể tiếp xúc với những người đã bị tiếp xúc chất phóng xạ như trong chụp phim CĐHA; hoạt độ phóng xạ còn lại tối thiểu không làm tăng nguy cơ đo lường được đối với phôi. Tuy nhiên, phơi nhiễm bức xạ do tiếp xúc gần sẽ cao hơn sau một số loại bức xạ điều trị (ví dụ, liệu pháp điều trị ung thư tuyến giáp bằng tia phóng xạ, cận xạ trị cho ung thư tuyến tiền liệt). Thời gian hạn chế tiếp xúc có thể cần thận trọng, tùy thuộc vào loại liệu pháp và mức độ tiếp xúc.
h. Chụp thông khí-tưới máu và CT xoắn ốc
Chụp thông khí-tưới máu (V-P) để phát hiện nghi ngờ thuyên tắc phổi là một trong những nghiên cứu y học hạt nhân phổ biến nhất thu được ở phụ nữ mang thai. Quy trình này bao gồm truyền dịch với albumin Tc 99m đại hợp thể và thông khí bằng khí xenon được gắn nhãn phóng xạ hoặc khí dung 99m Tc DTPA. CT xoắn ốc là một phương pháp thường được sử dụng khác để chẩn đoán nghi ngờ thuyên tắc phổi và cũng liên quan đến liều bức xạ thấp cho thai nhi. Một nghiên cứu ước tính rằng trong tam cá nguyệt thứ ba, mức độ phơi nhiễm bức xạ của thai nhi từ chụp X quang phổi, CT xoắn ốc, chụp V-P và chụp động mạch phổi (tiêm cản quang từ cánh tay) lần lượt là 0.01, 0.13, 0.37 và 0.50 mGy. Liều bức xạ trung bình thấp hơn trước đó trong thời kỳ mang thai.
i. Chụp tuyến giáp
Vào tuần thứ 10 đến tuần thứ 12 của thai kỳ, các đồng vị phóng xạ sẽ được tuyến giáp của thai nhi dễ dàng hấp thụ. Mặc dù không có báo cáo về tác dụng phụ đối với thai nhi từ liều chẩn đoán của iốt phóng xạ, tuy nhiên không nên dùng thuốc này cho phụ nữ có thai vì nguy cơ gây ung thư tuyến giáp ở trẻ là một vấn đề đáng lo ngại. Nếu cần chụp chẩn đoán tuyến giáp, tác nhân được ưu tiên là Technetium Tc 99m (tránh I-131).
j. Chụp cắt lớp phát xạ positron
Có rất ít thông tin liên quan đến chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) trong thai kỳ. Kỹ thuật này liên quan đến việc tiêm một đồng vị phóng xạ, fludeoxyglucose F 18. Các nghiên cứu sinh sản trên động vật chưa được thực hiện với fludeoxyglucose F 18 Injection và người ta không biết liệu fludeoxyglucose F 18 Injection có thể gây hại cho thai nhi khi dùng cho phụ nữ mang thai hay có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Liều bức xạ tới tử cung là 3,70 đến 7,40 mGy, đối với phạm vi liều thông thường của đồng vị được tiêm. Như đã thảo luận ở trên, đây là liều lượng thấp cho thai nhi và không liên quan đến các tác dụng phụ đối với sự phát triển hoặc tăng trưởng.
Do thiếu dữ liệu an toàn trong thai kỳ ở người, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc CT thường được ưu tiên hơn PET vì chúng thường cung cấp thông tin tương tự, nhưng quyết định cần được đưa ra trên cơ sở cụ thể của từng bệnh nhân.
k. Siêu âm
Không có tác dụng sinh học nào được ghi nhận từ siêu âm chẩn đoán ở bệnh nhân có thai, mặc dù đã được sử dụng nhiều trong vài thập kỷ. Khả năng gây ra những hậu quả có hại do nhiệt và tạo hang là có tồn tại vì siêu âm sử dụng sóng âm tương tác với các mô sinh học. Hình ảnh chế độ B và chế độ M hoạt động ở đầu ra sóng âm không tạo ra sự gia tăng nhiệt độ có hại. Tuy nhiên, siêu âm Doppler có tiềm năng này; do đó, hướng dẫn sử dụng Doppler trong thai kỳ đã được xây dựng. Bên cạnh đó, một hạn chế của siêu âm là nó không hiển thị chi tiết mô mềm như MRI hoặc chụp cắt lớp vi tính.
Ảnh Internet
l. Chụp cộng hưởng từ
MRI sử dụng sóng điện từ, thay vì bức xạ ion hóa, để tạo ra hình ảnh chi tiết. Ở cấp độ tế bào, các hiệu ứng sinh học trực tiếp có thể có của MRI bao gồm (1) cảm ứng điện trường cục bộ và dòng điện từ trường tĩnh và từ trường thay đổi theo thời gian, và (2) bức xạ tần số vô tuyến dẫn đến làm nóng mô. Các nguy cơ tiềm ẩn khác bao gồm chấn thương do chiếu các vật kim loại vào từ trường (ví dụ: các mảnh kim loại nhỏ có thể chiếu vào mắt), can thiệp vào hoạt động của các thiết bị điện tử (ví dụ như máy điều hòa nhịp tim) hoặc vị trí cấy ghép kim loại, bỏng do sưởi vật liệu dẫn điện trong mô cấy, và thiệt hại âm thanh do tiếng ồn cường độ cao.
Tóm lại, việc sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là các thủ thuật có liên quan đến bức xạ ion hóa trên phụ nữ có thai là một điều rất thận trọng. Nếu sản phụ cần phải sử dụng các phương tiện trên với mục đích chẩn đoán và điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc cẩn thận giữa lợi ích và nguy cơ cho mẹ và thai nhi trước khi sử dụng cũng như sẽ có những biện pháp để nhằm hạn chế tối thiểu ảnh hưởng của các bức xạ, hóa chất đến thai nhi.
Nguồn tham khảo:
XEM THÊM:
Giảm thai máy – Triệu chứng và phương pháp nhận biết(Mở trong cửa số mới)
XUẤT HUYẾT ÂM ĐẠO TRONG THAI KỲ(Mở trong cửa số mới)
Một số bài viết khác:
SỰ GIA TĂNG NGUY CƠ MỔ LẤY THAI Ở BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG DO CƠN GÒ TỬ CUNG KÉM
CỬ ĐỘNG THAI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
BỆNH PHỤ KHOA – CÁC BỆNH LÝ VỀ ÂM HỘ
DỰ PHÒNG THIẾU MÁU TRONG THAI KỲ
Ý NGHĨA XÉT NGHIỆM MÁU KHI MANG THAI
LỢI ÍCH NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ, CHO CON BÚ ĐÚNG CÁCH